Khi Lotte “chán” Trung Quốc

Lotte, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc đã quyết định rút khỏi Trung Quốc hoàn toàn. Thay vào đó, họ có kế hoạch tập trung vào Việt Nam, Indonesia và các thị trường Đông Nam Á khác.
Lotte đã quyết định rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc

Rút chân khỏi Trung Quốc

Việc Lotte rút chân hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc được gói gọn bằng hai lý do chính. Thứ nhất là do Trung Quốc tiếp tục trả đũa các công ty Hàn Quốc sau quyết định của Seoul triển khai hệ thống chống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ vào năm 2016. Thứ hai là vấn đề tiêu dùng tư nhân chậm chạp trong bối cảnh phong tỏa COVID-19 tại Trung Quốc kéo dài trong thời gian qua.

Lotte sẽ đóng cửa trụ sở tại Trung Quốc trong nửa đầu năm nay và hầu hết nhân viên của công ty ở đó đã trở về Hàn Quốc. Quá trình duy nhất còn lại là hủy bỏ giấy phép kinh doanh.

"Trên thực tế, chúng tôi đã hoàn tất việc rút hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc. Chúng tôi chỉ còn lại thủ tục giấy tờ. Chúng tôi đang giữ vững lập trường về việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Malaysia", một quan chức tại Lotte Holdings, công ty mẹ của tập đoàn, cho biết.

Lotte thành lập trụ sở chính tại Trung Quốc vào năm 2012 để giám sát hoạt động kinh doanh của tập đoàn tại đây. Lotte Shopping, Lotte Holdings và Lotte Chemical đã đầu tư lần lượt 70%, 15% và 15% vào trụ sở chính tại Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng của Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong Bin đối với hoạt động kinh doanh toàn cầu. Shin đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 200 nghìn tỷ won (157,1 tỷ USD) để trở thành một trong 10 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á vào năm 2018.

Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai hệ thống chống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại một sân golf ở Hàn Quốc do Lotte làm chủ. Để trả đũa, Bắc Kinh bắt đầu áp đặt các quy định cứng rắn hơn đối với các công ty con của Lotte tại Trung Quốc. Lotte Mart và Lotte Department Store đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 2018, tiếp theo là Lotte Chilsung Beverage và Lotte Conf Candy vào năm sau đó.

Lotte cũng đã lên kế hoạch xây dựng một công viên giải trí ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, việc này đã phải mất một thời gian dài để xin phép chính phủ Trung Quốc. Dự án cuối cùng đã được bật đèn xanh vào tháng 4 năm 2019, nhưng đã bị tạm dừng ngay sau đó do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc.

Tập trung vào Đông Nam Á

Cho đến cuối năm 2021, Lotte đang vận hành 49 cửa hàng ở Indonesia và 14 cửa hàng ở Việt Nam. Đơn vị bán lẻ của tập đoàn đã kiếm được 8,7 tỷ won từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay ở hai quốc gia Đông Nam Á, cao hơn 1,1 tỷ won so với những gì họ kiếm được tại thị trường Hàn Quốc trong cùng thời kỳ.

Lotte Mart chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008 khi khai trương siêu thị đầu tiên tại TP. HCM. Doanh thu hàng năm của Lotte Mart Việt Nam liên tục tăng trưởng, nhưng kèm theo đó là các khoản lỗ lên đến 2 tỷ won (1,69 triệu USD).

Dù thua lỗ triền miên, song Lotte Shopping vẫn liên tục cho mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm phủ sóng 60 trung tâm mua sắm khắp cả nước.

Vào giữa năm 2021, Lotte Mart Việt Nam quyết định đóng cửa Lotte Mart Đống Đa, siêu thị lớn nhất tại Hà Nội, khiến nhiều người nghĩ đến việc Lotte Mart sẽ là nhà bán lẻ Hàn Quốc tiếp theo, sau E-Mart rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, khi đó Lotte Mart đã lên tiếng rằng việc ngưng hoạt động của chi nhánh Đống Đa nằm trong kế hoạch thay đổi chiến lược phát triển và mở rộng mạng lưới của hệ thống Lotte Mart tại Việt Nam và không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống này.

Rất có thể trong thời gian tới, sau khi đã “chán” thị trường Trung Quốc, Lotte sẽ dồn lực, tập trung vào hai thị trường tăng trưởng mạnh nhất tại Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia.

Theo Nguyễn Chuẩn (Diễn đàn Doanh nghiệp)

Bắc Ninh thu hút gần 2 tỷ USD vốn FDI trong quý 1/2025

Sáng 31/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 doanh nghiệp và 1 doanh nghiệp thỏa thuận đầu tư mở rộng dự án với tổng số vốn gần 1,1 tỷ USD.

Thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc

Không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ba tháng đầu năm 2025, hai tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam và thành phố Hải Phòng tiếp tục thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Tín hiệu khả quan từ thu hút FDI

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025 đạt 4,33 tỷ USD; tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

Video