Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững
![]() |
Triển vọng đạt trên 1 tỷ USD
Theo thống kê được thực hiện bởi Quỹ đầu tư Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo (NIC), trong 9 tháng đầu năm nay, lượng vốn đổ vào các startup Việt Nam đạt khoảng 600 triệu USD và dự báo tổng vốn đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 1 tỷ USD. Theo thông lệ, quý cuối cùng của năm sẽ là thời điểm các nhà đầu tư mạnh tay giải ngân vì thế kỳ vọng startup Việt Nam đạt trên mức 1 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở. Ước tính sáu tháng cuối năm 2021, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn lớn như: Tiki-258 triệu USD, Loship-50 triệu USD, Telio-22 triệu USD trong lĩnh vực thương mại điện tử; VNLife-250 triệu USD trong lĩnh vực tài chính; Doctor Anywhere-65,7 triệu USD trong lĩnh vực y tế,...
Theo thống kê chung cho đến nay Việt Nam đã có khoảng 3.800 startups, với 2 kỳ lân (VNG, VNPay) và có 11 startups được định giá trên 100 triệu USD (Momo, Tii, Topica Edtech,...). Hiện nay, có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo… Về mức tăng trưởng cho đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam, trong năm 2016 đạt khoảng hơn 200 triệu USD, sang năm 2021 đầu tư khởi nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc, dự kiến đạt hơn 1,3 tỷ USD. Trong đó có nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút đầu tư như công nghê tài chính -Fintech, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…
Những điểm sáng khởi nghiệp
Theo một số chuyên gia, trung bình mỗi thương vụ đầu tư cần khoảng 3-6 tháng để chốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch như trong suốt hơn một năm qua, các quỹ đã học cách thích ứng với quy trình làm việc online nhiều hơn, kết nối đầu tư, live pitching và chốt “deal” ngay cả khi giãn cách xã hội trên diện rộng. Vì vậy, trong năm nay, hoạt động kết nối đầu tư hoàn toàn trực tuyến, kết nối 1-1 giữa nhà đầu tư và startup trên một số nền tảng như Zoom, TECHFEST 247... Các nhà đầu tư trong và ngoài nước không ngần ngại cam kết đầu tư ngay tại sự kiện.
Nhìn vào thống kê sơ bộ, sự gia tăng về số lượng các doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp đang dần được cải thiện, điều này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11/2021 tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước.
Bối cảnh hiện nay là cơ hội để các quỹ đầu tư nội địa và khối cá nhân, hay còn gọi là các nhà đầu tư thiên thần và khối doanh nghiệp tham gia sâu vào thị trường đầu tư mạo hiểm đã vượt trội hơn các quỹ đầu tư ngoại. Hiện tại, số lượng các quỹ đầu tư do các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam thành lập tăng mạnh để thâu tóm cơ hội đầu tư hoặc tiến hành mua bán/sáp nhập các startup Việt như: hợp tác giữa FPT và Base.vn; Momo mua lại Pique... Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 3 tại Đông Nam Á có doanh nghiệp mua lại nhiều startup nhất (xếp sau Indonesia và Singapore) với 22 thương vụ trong giai đoạn từ 2018 đến 6 tháng đầu năm 2021.
Tập trung vào giá trị cốt lõi
Dịch Covid-19 đã xáo trộn thị trường và hành vi người dùng khiến nhiều startup phải mạnh dạn thay đổi thậm chí là “xóa bài chơi lại”, gác lại để tìm kiếm cơ hội mới sau khủng khoảng. Trong khó khăn khủng hoảng luôn có những cơ hội xuất hiện và doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc thì có thể mang lại giá trị mới, đột phá. Minh chứng, có những doanh nghiệp trong ngành công nghệ, khởi nghiệp số của Việt Nam đã vụt sáng tăng trưởng gần đây. Thay vì tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá” để đạt được mục tiêu phát triển nóng, các startup hiện nay đã nhìn ra những bài học đắt giá về những cú ngã ngựa điển hình trên thế giới như WeWork, Greensill, Katerra, hay tại Việt Nam, các startup như The Kafe, WeFit, Soya Garden…
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Thành Đô - Nhà sáng lập và điều hành Think Zone Ventures cho hay, các startup Việt đã tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn, thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần thì tập trung phát triển công nghệ có lợi thế dẫn dắt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong lâu dài, bởi nếu chỉ tăng trưởng nóng thì sẽ rất dễ chạm trần và không thể tăng trưởng nhanh trong những năm sau đó.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cũng đồng quan điểm, hầu hết các startup hiện nay đã cẩn trọng hơn và lựa chọn các mô hình phát triển bền vững. Họ tập trung vào các giá trị lõi để tạo ra các giá trị khác biệt mà không chạy theo xu thế của thị trường, và công nghệ chính là chìa khóa tạo ra các giá trị cốt lõi đó cho hầu hết các doanh nghiệp.
COVID-19 đã giúp người tiêu dùng làm quen với các dịch vụ trực tuyến, tạo cơ hội để các start-up phát triển tư duy sáng tạo. Dịch vụ số, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, game online… được dự báo sẽ là những lĩnh vực khởi nghiệp đầy tiềm năng trong thời gian tới. Hiện tại, 2 kỳ lân công nghệ tại Việt Nam được biết đến nhiều là VNG với doanh số chủ yếu từ phân phối kinh doanh game online; và VNLife - doanh nghiệp sở hữu ứng dụng thanh toán trực tuyến có giá trị tỷ USD là VNPay. Cái tên kỳ lân công nghệ thứ 3 của Việt Nam được nhắc đến nhiều gần đây là Sky Mavis – một startup có trụ sở tại TP.HCM và một số thành viên sáng lập là người Việt, đang sở hữu và vận hành game Axie Infinity - game được xây dựng trên công nghệ blockchain, vừa được định giá hơn 2 tỷ USD.
Việt Nam đang từng bước chuyển mình, trở thành trung tâm mới của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với mức độ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bài toán đặt ra với những startup là lựa chọn phát triển bùng nổ nhờ nắm bắt cơ hội của thị trường, hay hướng tới mục tiêu bền vững, dài hơi hơn. Phần thưởng lớn không chỉ dành cho các startup mà còn cho cả các nhà đầu tư, quỹ đầu tư có tầm nhìn dài hạn với những kỳ vọng thực tiễn.
Phạm Tuấn