Hiện thực hóa làn sóng đầu tư nước ngoài lần thứ tư
Thế nhưng, thu hút hiệu quả đầu tư thế hệ mới lại là thách thức của năm 2024 trong bối cảnh lạm phát và lãi suất thế giới vẫn cao, địa chính trị toàn cầu tiếp tục căng thẳng, đặc biệt là cuộc đối đầu công nghệ Mỹ - Trung và khi cả hai nền kinh tế lớn nhất – vốn là thị trường chính cho xuất khẩu Việt Nam – đang tăng trưởng chậm lại.
Chuyển mình từ làn sóng đầu tư
Việt Nam được dự báo là sẽ có thể đón làn sóng đầu tư mới sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9-2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ba làn sóng bùng nổ FDI trước đây diễn ra trong bối cảnh khác nhau. Làn sóng đầu tiên diễn ra sau dự án Honda đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc năm 1997, kéo theo nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác. Hiện tổng đầu tư của Honda vượt quá 600 triệu USD, chiếm đến 80% thị trường xe máy Việt Nam.
Làn sóng thứ hai kéo dài từ năm 2000-2008 trước khi ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đỉnh điểm là năm 2008, Samsung Electronics bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh. Đây cũng là năm Việt Nam ghi nhận các cam kết đầu tư vượt ngưỡng 64 tỷ USD, cao kỷ lục. Samsung sau đó tiếp tục xây nà máy thứ hai ở Thái Nguyên năm 2013, và các cơ sở khác ở TP.HCM và Hà Nội. Với tổng vốn hơn 20 tỷ USD, Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam.
Làn sóng thứ ba diễn ra mạnh mẽ vào giữa thập niên 2010. Khi sức mua của người tiêu dùng ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho dòng vốn của các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài. Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Aeon Nhật Bản khai trương trung tâm mua sắm Aeon Mall Tân Phú năm 2014 và nhiều cơ sở khác…
Chuyến thăm tháng 9 của Tổng thống Biden được đánh giá là kích hoạt làn sóng đầu tư mới vào công nghệ cao của Mỹ và các nước tại Việt Nam. Trước thời điểm này, FDI của Mỹ vào Việt Nam được nhìn nhận là rất khiêm tốn so với các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến cuối 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam là 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có rót vốn vào thị trường hơn 100 triệu dân này. Nếu so sánh, Hàn Quốc đang rót 80,9 tỷ USD, Singapore là 70,8 tỷ USD, Nhật Bản là 68,8 tỷ USD.
Định vị những thách thức
Việt Nam đang chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động cao như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng. Sự hợp tác của các công ty công nghệ Mỹ, nhất là trong các ngành chip, trí tuệ nhân tạo sẽ bước chuyển đổi mới của nền kinh tế Việt Nam.
Tập đoàn Hana Micron của Hàn Quốc dự dịnh đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam đến năm 2025. Với vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD cho nhà máy sản xuất chip tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (HTSP), hiện Intel chiếm khoảng 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của HTSP. Hồi tháng 10, Amkor Technology của Mỹ khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip trị giá 1,6 tỷ USD tại Việt Nam. Chuyến thăm đầu tháng 12 vừa rồi của CEO Jensen Huang của hãng chip Mỹ Nvidia cũng là tín hiệu sáng gây chú ý… Synopsys, chuyên về các giải pháp phần mềm thiết kế bán dẫn, IP và bảo mật phần mềm hàng đầu trong ngành cũng ký một biên bản ghi nhớ hợp tác giúp ngành bán dẫn Việt Nam đào tạo lao động.
Sự chuyển động của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam cũng là tín hiệu đáp lại. Vinfast của VinGroup lên sàn ở Mỹ, công bố tăng vốn cho nhiều dự án công nghệ trong nước. FPT Software ký hợp tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Landing AI của Mỹ.
Tuy nhiên, làn sóng FDI lần thứ tư vào công nghệ cao vẫn gặp phải nhiều thách thức. Một, nút thắt đầu tiên là hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần được tháo gỡ. Các nhà quan sát mong đợi các tuyến cao huyết mạch sẽ được thúc đẩy, cải thiện rõ mức độ giải ngân đầu tư công. Các ngành vật liệu xây dựng, xây dựng công trình và khu công nghiệp sẽ hưởng lợi. Hai, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực. Đề án phát triển nhân lực với mục tiêu đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư về lập trình, chuyển đổi số, sản xuất chip… Tuy nhiên, trên thực tế con số thiếu hụt gấp vài ba lần. Ba, chính sách kích thích tăng trưởng tín dụng là đòn bẫy. Tăng trưởng nhưng giảm áp lực nợ xấu, góp phần tăng trưởng sản xuất, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường vốn là những mục tiêu lớn của năm mới.