Giải oan cho lãi suất vay tiêu dùng

Đáp ứng nhanh chóng các khoản vay cá nhân nhỏ lẻ, đồng thời phải chịu rủi ro từ các đối tượng khách hàng dưới chuẩn đem lại vì thế lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) đương nhiên phải cao. Thế nhưng nhiều ý kiến chưa hiểu thấu đáo lại cho rằng, hoạt động cho vay này đang đưa ra mức lãi suất “cắt cổ” người dân.

giai-oan-cho-lai-suat-vay-tieu-dung FE Credit

Muốn vay nhanh thì lãi suất sẽ cao

Chị Nguyễn Minh Hà, nhân viên văn phòng nhà đất ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, chị vừa mua xe máy trả góp thông qua việc vay vốn ở một CTTC. Với khoản vay 20 triệu đồng, mỗi tháng chị trích khoảng 3 triệu đồng từ tiền lương để trả cho khoản vay mua xe. Mới hơn 6 tháng, chị đã trả được 80% số tiền vay. Dự tính, khoảng 2 tháng nữa, chị sẽ trả xong khoản nợ và thanh lý hợp đồng vay.

Với trường hợp của chị Hà, có lẽ chuyện vay vốn mua xe trả góp không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chị. Thậm chí, chị còn cho rằng, đây là dịch vụ chị cảm thấy hài lòng nhất. Bởi vì, không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn vài chục triệu đồng để tiêu dùng vào những công chuyện lúc cần kíp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng xác định được mục tiêu ngay từ đầu và quản lý tài chính một cách rõ ràng như chị Hà. Đã cókhông ít trường hợp vay tiền tại CTTC để tiêu dùng nhưng rồi cuối cùng không trả được nợ và quay trở lại cho rằng, lãi suất cho vay ở các công ty này có mức cao “cắt cổ”.

Thực tế cho thấy, nhu cầu vay tiền để mua sắm tiêu dùng hay đầu tư là hoàn toàn chính đáng và là nhu cầu có thực trong nền kinh tế. Với các đặc điểm nội trổi như: Khoản vay linh hoạt (từ 2-70 triệu đồng), thủ tục hồ sơ đơn giản và giải ngân nhanh chóng, hình thức cho vay tiêu dùng được đánh giá là phù hợp với đại đa số người lao động có thu nhập trung bình - những người khó có thể tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Ngoài yếu tố lãi suất, làm thế nào để hiểu rõ thông tin về các khoản vay, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng cho vay tín chấp là điều mà rất nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Suy cho cùng, ở nước ta, ngành Tín dụng tiêu dùng vẫn trong giai đoạn sơ khởi và 90-95% khách hàng là những khách hàng mới – những người trải nghiệm dịch vụ tài chính cá nhân lần đầu tiên. Do đó, sẽ không thể tránh khỏi những tồn tại, khi sự hiểu biết của khách hàng về các điều khoản trong hợp đồng vay vẫn còn chưa vững vàng.

“Nói lãi suất cắt cổ là oan cho các công ty tài chính”

Nhấn mạnh điều này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Trong cuộc hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức mới đây về lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng mức lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao, có khi lên đến 80%, khiến khách hàng bức xúc, cho rằng mình bị “lừa”. Nói như vậy là chúng ta đang vơ đũa cả nắm, chưa hiểu rõ về bản chất vay tiêu dùng và có phần hơi cực đoan. Bởi vì:

Thứ nhất, lãi suất tiêu dùng cao là chuyện bình thường. Bởi theo cơ chế thị trường, đây là lĩnh vực cho vay rủi ro cao thì đương nhiên lãi suất phải cao. Đồng thời, khách hàng đến với các CTTC đều vay các khoản nhỏ, lại được hỗ trợ thủ tục vay nhanh vàkhông phải trải qua một quy trình xét duyệt giấy tờ lằng nhằng và rắc rối..

Thứ hai, nếu chỉ hiểu theo nghĩa hẹp, căn cứ vào vài mức lãi suất mà đánh giá bản chất của tín dụng tiêu dùng là hoàn toàn sai. Các CTTC hoạt động trên cơ sở được Nhà nước cấp phép, quan trọng hơn là họ hoạt động bằng vốn tự có, tự vay, tự trả, không được huy động vốn trong dân. Cho nên, bản chất của họ lãi suất đầu cũng đã cao rồi. CTTC cũng như chúng ta, bản thân họ cũng không thể có một nguồn vốn lớn để hoạt động, họ phải đi vay các ngân hàng và phải chịu mức lãi suất như bao đối tượng vay vốn khác.

Thứ ba, đối với các khoản vay nhỏ lẻ, khách hàng thường là cần gấp gáp và nhanh chóng, chính vì vậy mọi thủ tục, giấy tờ liên quan đến khoản vay cũng phải rất nhanh chóng và đơn giản. Ngay cả người làm nghề xe ôm có thu nhập bấp bênh, không ổn định; hay công nhân ở các khu công nghiệp có thu nhập thấp cũng đều được CTTC chấp nhận cho vay. Vậy nên, rủi ro từ phía khách hàng đối với CTTC sẽ là rất cao, bởi do những đối tượng vay đều là khách hàng dưới chuẩn duyệt vay của ngân hàng.

Cũng theo ông Hòe, có 5 yếu tố chính để hình thành lãi suất của vay tiêu dùng, đó là: Chi phí huy động vốn, chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro, chi phí khác (phí tư vấn...) và lợi nhuận biên. Từ những nội dung đó, phải khẳng định rằng lãi suất cao so với mặt bằng nói chung là điều hiển nhiên.

Phân tích cụ thể thêm, vị Phó Viện trưởng này còn nêu ra một ví dụ cụ thể sau: Giả sử lấy một phép tính đơn giản để so sánh. Đối với vay tiêu dùng, khi  khách hàng vay 500.000 đồng hay 1.000.000 đồng thì đều phải chịu công tác phí cán bộ 50.000 đồng/1triệu, phí lãi suất tổng 1 năm đã là 5%. Còn về phía ngân hàng, họ chỉ cho vay những khoản tiền lớn. Khoản vay lớn này cũng chỉ chịu chi phí bằng khoản vay 1 triệu đồng như bên CTTC đã chi ra. Theo đó, lãi suất của ngân hàng thấp hơn lãi suất của CTTC là đương nhiên.

Hơn nữa, để quản trị rủi ro ở mức thấp nhất, các ngân hàng đều đưa ra điều kiện cho vay rất khắt khe. Vậy nên, lựa chọn hàng đầu của khách hàng là đến với các CTTC. Như vậy, phải nói rằng, hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng, không chỉ kịp thời hỗ trợ khách hàng vay vốn an toàn và nhanh chóng, mà còn góp phần hạn chế nạn tín dụng đen phát triển.

“Vay tín dụng tiêu dùng như vay nặng lãi cắt cổ” là khái niệm hoàn toàn sai. Bởi khái niệm “cho vay nặng lãi” chỉ được dùng đến, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150%  lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Trên thực tế, chỉ có một số lượng rất nhỏ CTTC cho vay với mức lãi suất 60-80%,  bởi hồ sơ của khách hàng quá yếu; còn lại hầu hết lãi suất chủ yếu chỉ ở mức 25-35%. Bên cạnh mức lãi suất đó, các CTTC còn triển khai rất nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng. Đơn cử có thể kể tới như: Chương trình “vay tiêu dùng với lãi suất 0%” đã và đang rất hiệu quả trên thị trường thời gian vừa qua.

Diễn giải những góc cạnh trên để thấy rằng, khi muốn khẳng định một điều gì đó, chúng ta cần phải lấy chuẩn mực của pháp luật để định nghĩa, không nên kết luận theo phong trào và thiếu cơ sở như những ý kiến đã nêu tại Hội thảo do Bộ Công thương tổ chức vừa qua.

Theo Thanh Hà Người tiêu dùng

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video