Dùng ngân sách xử lý nợ xấu: Chuyên gia bảo “nên”, người trong cuộc bảo “đừng”!
Trước những luồng dư luận trái triều về việc có nên bỏ vốn ngân sách để xử lý nợ xấu, đứng vai trò là người trong cuộc, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản VAMC Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: thời điểm này, VAMC không cần thêm tiền, bởi với số vốn 2.000 tỷ đồng được cấp, VAMC còn chưa đụng tới một đồng.

Phản hồi về đề xuất dùng thêm ngân sách để xử lý dứt điểm nợ xấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết: “Đúng là muốn xử lý nhanh, triệt để nợ xấu thì phải triển khai mạnh mua bán nợ theo giá thị trường và cần có tiền tươi thóc thật”.
Tuy nhiên, đóng vai trò là người trong cuộc, ông Hùng khẳng định thời điểm này, VAMC không cần thêm tiền. Bởi với số tiền tươi thóc thật 2.000 tỷ đồng hiện có, VAMC còn chưa đụng tới một đồng nào vì chưa thỏa thuận được với TCTD để mua nợ xấu theo thị giá.
Theo đó, ông Hùng phân tích, điều mà VAMC cần hơn cả hiện nay là hành lang pháp lý thông thoáng, rõ ràng. Cụ thể, VAMC cần có một thị trường mua bán nợ đã được vận hành. Hành lang pháp lý đảm bảo quy rõ trách nhiệm mua bán dưới giá gốc thế nào cũng như trường hợp thoái vốn Nhà nước, dưới giá gốc có vấn đề gì không? Có cho phép TCTD bù đắp quỹ dự phòng rủi ro vào phần thiếu hụt không? Phần thiếu hụt trong trích lập dự phòng rủi ro, TCTD có được trích trong nhiều năm để giảm áp lực về tài chính?
Cùng với đó là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo phải thực hiện nghiêm, kiên quyết, phải có hành lang pháp lý nghiêm minh đối với người đi vay, thậm chí phải hình sự hóa với con nợ vô trách nhiệm, coi thường pháp luật. Như vậy mới đảm bảo quay vòng vốn, ông Hùng nhấn mạnh.
Mua nợ theo giá thị trường là mục tiêu trọng tâm trọng điểm của VAMC trong năm 2016. Tuy nhiên, việc đàm phán mua nợ theo giá thị trường lại hết sức khó khăn, đụng đâu cũng thấy vướng. Phần vì các TCTD e ngại khi bán nợ theo giá thị trường do VAMC sẽ “lỗ to”, phần vì chưa có cơ chế chính sách cụ thể.
Về phía VAMC mua nợ thì phải bán được nợ, nhưng hiện nay thị trường chưa có. Mà mua về để quản lý, theo dõi nếu không may thị trường biến động thì lỗ từ TCTD lại chuyển sang VAMC, trong khi bản thân tổ chức này hoạt động trên nguyên tắc kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải bảo toàn được vốn. Đó cũng là lý do tại sao từ đầu năm tới nay VAMC gần như không mua nợ vào.
Bỏ thêm ngân sách xử lý nợ xấu? Câu chuyện đã ngã ngũ!
Nói về đề xuất dùng thêm ngân sách xử lý nợ xấu, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để làm việc này. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ quốc hội đang thảo luận sửa đổi về Luật Đấu giá tài sản, trong đó có quy định cho phép VAMC được quyền tổ chức phiên đấu giá tài sản mà không cần phải thông qua một tổ chức trung gian nào. Và xác định đó là giải pháp cho VAMC xử lý nợ xấu chứ không phải tiền.
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, gỡ khó trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo và xây dựng thị trường mua - bán nợ là hai giải pháp quan trọng nhất giúp xử lý triệt để được nợ xấu.
Cho đến thời điểm này tranh cãi về đề xuất có bỏ thêm ngân sách xử lý nợ xấu phần nào đã ngã ngũ khi bản thân VAMC bảo chưa cần, còn nhiều ý kiến từ phía các cơ quan nhà nước thì cho rằng chưa đúng lúc.
Để sửa đổi cơ chế chính sách luôn là giải pháp cao nhất, nhưng cũng luôn là khó nhất lâu nay, vì thế để hỗ trợ các TCTD trong giải quyết nợ xấu, Chính phủ đã có chỉ đạo VAMC xem xét trả lại cho các TCTD những khoản nợ mà họ có thể xử lý được.
Thực tế, đến thời điểm này VAMC đã bán lại cho TCTD gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu nguyên giá, nhưng con số này chẳng thấm tháp gì với hơn 200 nghìn tỷ nợ xấu VAMC đang nắm giữ. Vì thế mà cho đến thời điểm này, VAMC vẫn chỉ là “bãi đỗ xe” cho những khoản nợ xấu, nó hữu hình, và sẽ “hư hại” phần nào theo thời gian.