Dư thừa tiền trong két, ngân hàng vẫn tăng lãi suất
Tiền thì vẫn cứ dư thừa trong két của các ngân hàng nhưng trong những ngày tháng 9, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng nhẹ trở lại.
[caption id="attachment_34413" align="aligncenter" width="588"]
Thừa tiền vẫn tăng lãi suất
Từ đầu tháng 9 một số ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 0,1%-0,3%. Động thái này khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến kỳ vọng giảm lãi suất cho vay.
Từ ngày 5/9, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) tăng lãi suất huy động VND. Nhà băng này niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,1%/năm thay vì 7%/năm như trước; kỳ hạn 13 tháng được hưởng mức lãi suất 7,8%/năm thay vì mức cũ 7,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. Các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng, 60 tháng cùng được hưởng lãi suất 7,2%/năm.
Trước đó, từ ngày 1/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng biểu lãi suất huy động mới với lãi suất tăng 0,1%-0,3%. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 5,2%/năm; kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng cùng được hướng lãi suất 5,5%/năm. Các kỳ hạn từ 13 và 15 tháng được hưởng lãi suất 7%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm được nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Theo nhiều nhận định, việc tăng nhẹ lãi suất lần này chỉ diễn ra cục bộ chứ không phổ biến trong hệ thống và tập trung ở ngân hàng có quy mô nhỏ. Ngân hàng vẫn tăng lãi suất dù cho thanh khoản trong hệ thông đang dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng vào thời điểm cuối tháng 8 đã xuống đáy thấp nhất trong lịch sử (dưới 0,8%) đối với cả ba kỳ hạn (kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần).
Trong tuần vừa qua, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng mặc dù diễn biến tăng trong ngày Thứ 6 nhưng nếu tính bình quân cả tuần thì có xu hướng giảm trở lại ở cả ba loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm nhẹ nhất 0,14% về mức 0,55%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn một tuần và hai tuần đồng loạt giảm mạnh hơn 0,17% lần lượt về mức 0,66% và 0,89%/năm.
Với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng rất thấp trong lịch sử nhiều năm qua (cả ba loại kỳ hạn theo dõi đều dưới mức 1%/năm), song song với diễn biến lãi suất tín phiếu phát hành bởi NHNN giữ ở mức thấp quanh 0,5%/năm các tuần gần đây cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn lớn.
BVSC cho rằng trạng thái dư thừa của hệ thống xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, cung tiền Đồng lớn do NHNN tiếp tục duy trì hoạt động mua dự trữ ngoại hối trong những tuần qua nhờ các điều kiện thuận lợi về nguồn cung ngoại tệ từ thị trường lớn và tỷ giá diễn biến ổn định. Thứ hai, tỷ lệ huy động có phần tăng mạnh hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (tín dụng sau khi tăng trưởng mạnh trong tháng 6 (8,16%), lại có phần giảm tốc trong 2 tháng qua (chỉ đạt 9,09% tính đến 23/8) và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái) khiến sức hấp thụ lượng thanh khoản dư thừa không bắt kịp tốc độ tăng cung tiền Đồng từ hệ thống.
BVSC dự báo trạng thái dư thừa thanh khoản nhiều khả năng sẽ còn duy trì và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1% ở cả ba loại kỳ hạn trong vài tuần tới. Tuy nhiên, hiện tượng dư thừa thanh khoản này có thể sẽ giảm bớt trong thời điểm cuối năm khi tăng trưởng tín dụng bước vào giai đoạn cao điểm và nhu cầu mua tăng dự trữ ngoại hối của NHNN cũng có thể chững lại.
Vì sao?
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Thanh khoản trong hệ thống dồi dào, vậy tại sao ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động? Theo một số chuyên gia, một số ngân hàng tăng lãi suất nhằm cân đối nguồn vốn ngắn hạn và trung hạn bởi từ năm 2017 tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại ngân hàng thương mại sẽ giảm từ 60% như hiện nay xuống 50%. Ngoài ra, ngân hàng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, đáp ứng nhu cầu cho vay khi mà tín dụng thường tăng trưởng nhanh vào thời điểm quý 4.
Dù không diễn ra phổ biến nhưng ngân hàng tăng lãi suất huy động ít nhiều sẽ tác động đến kỳ vọng giảm giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng, các ngân hàng vẫn đang chịu sức ép tăng lãi suất huy động, đặc biệt là khối ngân hàng nhỏ và vừa. Trước đó, một loạt ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm từ 0,1% – 0,4%/năm.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ trì một cuộc họp với các tổ chức tín dụng để đánh giá tình hình thị trường tiền tệ 8 tháng đầu năm và phục vụ công tác chỉ đạo điều hành hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm.
Trả lời câu hỏi như trê, theo lãnh đạo các ngân hàng, lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) thấp, thanh khoản dồi dào tuy nhiên lãi suất huy động chưa giảm được bởi các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm thị phần, dư thanh khoản chỉ là tạm thời. Nhu cầu về vốn từ hệ thống, kể cả vốn trung và dài hạn, đã khiến các TCTD vẫn phải cạnh tranh nguồn vốn huy động.
NHNN đã có các văn bản chỉ đạo các TCTD rà soát, đảm bảo thanh khoản ở các kỳ hạn và tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý; qua đó, giảm bớt áp lực về chênh lệch kỳ hạn, áp lực đối với mặt bằng lãi suất.
Qua rà soát đánh giá, trong 8 tháng đầu năm, lãi suất huy động cơ bản ổn định, có xu hướng tăng nhẹ 0,2-0,3% trong giữa tháng 2 đến tháng 3. Từ tháng 5 trở lại đây, có TCTD điều chỉnh tăng, có TCTD điều chỉnh giảm, nhưng xu hướng chung là ổn định.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD về cơ bản diễn biến ổn định, từ cuối tháng 4/2016, các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.
Theo Châu Huệ (DĐDN)