Đồng bộ ổn định giá thị trường Tết

Ổn định nguồn cung và mặt bằng giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024 luôn nằm trong quyết sách của Chính phủ. Với sức mua hồi phục cùng nhiều chính sách kích cầu được triển khai, tiêu dùng và thương mại nội địa được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất và phân phối bán lẻ đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm cân đối cung - cầu, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến không có lợi cho thị trường.

Bám sát nhu cầu thị trường

Thị trường trong nước đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế bởi trong khi rất nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh

Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương cũng như các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Hướng tới giữ ổn định giá hàng hóa thời gian tới, Sở Công thương các tỉnh thành đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu, kích cầu tiêu dùng. Cụ thể, Sở Công thương sẽ vận động các hệ thống phân phối - bán lẻ tham gia công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Sở cũng phối hợp các doanh nghiệp phân phối - bán lẻ xây dựng kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thống nhất bình ổn hàng hóa

Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Giá cả dịp cuối năm được dự báo tăng theo quy luật thị trường, song giá không tăng cao và bất thường... Ngoài ra, các doanh nghiệp cam kết bán giá ổn định hoặc thấp hơn thị trường 5 - 10%. Một số hệ thống phân phối lớn cũng đã cam kết sẽ có nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C (thuộc Tập đoàn Central Retail), ngay từ tháng 9, đơn vị đã thỏa thuận ký kết với các đối tác cung ứng với lượng hàng hóa tăng 20% so với năm 2023. Còn tại hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc, lượng hàng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Ngoài ra, Co.op Mart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tương tự, các hệ thống siêu thị khác như MM Mega Market, Satra, AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng tấp nập các đơn hàng lớn, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã triển khai các phương án nhập hàng, đàm phán với nhà cung cấp để sẵn sàng phục vụ các khách hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm. Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng và dự trữ từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) dự kiến tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ cho 2 tháng (trước và sau Tết Giáp Thìn 2024) của hệ thống bán lẻ Satra ước hơn 550 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Quý Mão 2023. Hay Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đảm bảo các đơn vị trực thuộc và Công ty thành viên Hapro đã lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ với số lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ đồng.

Song song với việc mua bán hàng hoá trực tiếp, các hoạt động phối hợp với hệ thống phân phối thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như là Lazada, Shopee, TikTok, Sendo... được các doanh nghiệp tận dụng tiệt để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tăng mức thu mua cũng như việc phân phối các sản phẩm.

Cạnh tranh bằng nhãn hàng riêng

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát cao, hàng nhãn riêng, dòng sản phẩm do chính nhà phân phối tổ chức sản xuất với thương hiệu riêng, đang ngày càng thu hút người tiêu dùng nhờ lợi thế giá rẻ... Tại Việt Nam, khi đi mua sắm tại hệ thống các siêu thị như WinMart, Lotte Mart, Emart hay Co.opmart,… không khó để người tiêu dùng bắt gặp các sản phẩm mang thương hiệu của chính các nhà bán lẻ này... Một số nhãn hiện riêng như Select, Co.op Mart, Choice L, Ebon, Wow, Bakery, No brand, Topvalu hay Hóme Cóordy… có mức giá rẻ hơn khá nhiều so với sản phẩm cùng chủng loại.

Ước tính đến nay Co.op Mart đã có hơn 500 mặt hàng, hơn 2.000 mã hàng, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thiết yếu. Hệ thống WinMart/WinMart+ có cả một hệ sinh thái gồm WinMart Good (thực phẩm khô), WinMart Cook (thực phẩm chế biến), WinMart Home (đồ gia dụng) và WinMart Care (chăm sóc cá nhân). Trong khi Lotte Mart cung cấp các sản phẩm mang thương hiệu Choice L với hơn 1.000 mặt hàng cùng sự đa dạng chủng loại. Tại các hệ thống Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, siêu thị AEON MaxValu, AEON Việt Nam đang giới thiệu tới khách hàng hơn 8.000 mặt hàng thuộc 2 nhãn hàng riêng của AEON,

Do là sản phẩm của chính siêu thị, cho nên trong các đợt giảm giá, đây cũng là những mặt hàng chiếm số lượng lớn và được giảm giá nhiều hơn các dòng sản phẩm khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn đang lên phương án tiết giảm tối đa chi phí, đưa ra những chương trình bình ổn khuyến mại hấp dẫn. Để có được một chương trình quy mô, đồng bộ cũng như ổn định về cả chất và lượng đó là một sự nỗ lực rất lớn từ tất cả các bên nhằm đảm bảo sự an tâm đón một cái Tết an lành nhất cho người tiêu dùng.

 

Ngô Huệ

Khát vọng “đại bàng” kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/TW thu hút sự chú ý khi đưa ra tầm nhìn chiến lược nhằm mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quốc gia quan trọng.

Đồng Nai chuyển mình mạnh mẽ từ gian khó

Sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), nhiều huyện của tỉnh Đồng Nai đã vươn lên mạnh mẽ, từ vùng đất gian khó trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần cải thiện rõ nét chất lượng cuộc sống người dân.

Video