Doanh nhân Phan Thành Tân: Nhân duyên với ẩm thực Nhật
Từng làm phụ bếp cho một nhà hàng Nhật tại TP.HCM trong thập niên 90,đi mua hàng thực phẩm bán lại cho các bếp ăn, tiến tới mở cửa hàng bán thực phẩm Nhật Bản , trải qua bao sóng gió thăng trầm, phụ bếp Phan Thành Tân ngày nào giờ đã là một doanh nhân được nhiều người biết đến trên thị trường ẩm thực Nhật Bản. Với ông, đến với nghiệp kinh doanh đã là cái duyên, và trải nghiệm với ẩm thực Nhật như số phận đã sắp đặt.
Doanh nhân Phan Thành Tân đã dành thời gian cùng trò chuyện với Doanh nghiệp & Đầu tư về những cơ duyên và ngã rẽ cuộc đời mình.
DNĐT: Ông bắt đầu kinh doanh từ khi nào, và đâu là lý do để ông tham gia vào việc kinh doanh nhà hàng và ẩm thực Nhật Bản?
Ông Phan Thành Tân: Tôi sinh ra và lớn lên ở Củ Chi, là 1 vùng ngoại thành của TP.HCM, nơi được mệnh danh là quê hương của “đất thép thành đồng”. Năm 1995, học xong cấp 3, tôi khăn gói lên Sài Gòn học đại học. Dù gia đình không đến nỗi khó khăn nhưng ngoài thời gian học tôi lén Cha , Mẹ đi làm thêm ở nhà hàng Nhật , để rèn luyện thêm tính tự lập và tôi có suy nghĩ độc lập từ khi còn nhỏ.
Tôi làm phụ bếp trong nhà hàng Nhật suốt 2 năm, và để ý rằng các sản phẩm thực phẩm Nhật khi ấy rất khan hiếm, chỉ trông chờ hàng xách tay của các thương gia Nhật mang qua hoặc hàng của thủy thủ tàu viễn dương đem về bán ở chợ cũ trên đường Hàm Nghi, quận 1. Thế là, tôi thu mua hết các mặt hàng ấy và đem chào hàng cho các nhà hàng Nhật, bởi lẽ đang làm trong nhà hàng nên tôi hiểu sản phẩm nào là cần thiết với họ nên tôi chào mặt hàng nào là bán hết mặt hàng đó . Sài Gòn vào những năm đó chỉ có khoảng 4 - 5 nhà hàng Nhật thôi. Cứ thế, tôi tích góp vốn liếng dần dần.
Rồi thời cơ đến. Ngày càng nhiều người Nhật đến Việt Nam du lịch và làm việc, văn hóa người Việt cũng khá tương đồng với người Nhật, nên tôi tin đây là một thị trường đầy tiềm năng. Năm 1998, tôi chính thức mở một cửa hàng tại 15B7 Lê Thánh Tôn, quận 1, nhập khẩu và cung cấp hàng thực phẩm, thức uống xuất xứ từ Nhật Bản và các loại hải sản tươi sống cho nhà hàng Nhật, dần mở rộng sang cung cấp cho các khách sạn 5 sao tại TP.HCM và trên cả nước. Tôi chọn tên thương hiệu của cửa hàng là Minh Nhật (tiếng Nhật là Akuruhi), ban đầu chỉ có 3 nhân viên. Đến năm 2009, Akuruhi chính thức thành lập chi nhánh tại Campuchia và tôi đang nghiên cứu thị trường Myanmar để đầu tư. Giờ thì hệ thống Akuruhi đã có mặt rộng khắp với khoảng 500 nhân viên người Việt và 6 nhân viên người Nhật.
Chặng đường 16 năm kinh doanh chưa đủ dài, nhưng cũng không phải ngắn. Ông cảm nhận thế nào về sự phát triển của Akuruhi?
Ông Phan Thành Tân: Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta đều có duyên số, và tôi thì có duyên với ngành ẩm thực bởi ngành tôi học và việc tôi làm thì khá trái nhau. Tuy vậy, quan trọng là chúng ta có kiến thức nền tảng sâu rộng.
Ngành văn hóa ẩm thực sẽ càng phát triển tốt khi đất nước ngày càng hội nhập với thế giới, đời sống người dân và trình độ dân trí ngày càng cao. Món ăn Nhật thì luôn đảm bảo vệ sinh, sử dụng thực phẩm an toàn, khoa học và từng món ăn có sự cân bằng âm - dương khi sử dụng và chế biến. Nhờ phân tích thị trường tốt, đầu tư có trọng điểm vào đúng phân khúc khách hàng và chất lượng đảm bảo, chúng tôi đã luôn hoàn thiện và phát triển trong hơn 16 năm qua.
Ban đầu, Akuruhi chủ yếu nhắm vào đối tượng khách du lịch Nhật và cộng đồng người Nhật sống tại Việt Nam. Nhưng đến nay, hơn 70% thực khách của chúng tôi là người Việt Nam, đây cũng là một sự thành công của chúng tôi. Hiện Akuruhi đã có chi nhánh Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Campuchia và có 1 tổng kho 4000m2 làm nơi tập kết hàng hóa theo các tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản.
Ngoài hệ thống Akuruhi, tôi còn mở thêm nhà hàng UMI (Hải Vị, thành lập năm 2003) để quảng cáo sản phẩm mới và đối chứng sản phẩm sau đó mới tung ra thị trường. Năm 2011, chúng tôi cho ra đời thương hiệu nhà hàng Sushi World (Thế giới Sushi) và dự kiến trong tháng 11 năm nay sẽ triển khai nhượng quyền thương hiệu Sushi World rộng rãi.
Vậy đâu là bí quyết khi ông điều hành doanh nghiệp?
Ông Phan Thành Tân: Bí quyết của tôi đơn giản thôi, đó là cố gắng, chân thành và kiên trì trong mọi việc. Khi phải bắt đầu một việc gì đó, sẽ có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn buộc chúng ta phải kiên nhẫn vượt qua, hoặc chấp nhận thất bại. Người Việt Nam có câu “có công mài sắt có ngày nên kim” quả là không sai…!
Đối với tôi, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thì chữ tín là quan trọng nhất, sao cho bản thân mình có uy tín, uy tín với nhân viên, với cộng sự, với đối tác... Chất lượng dịch vụ và hàng hóa phải đúng theo cam kết.
Thách thức lớn của chúng tôi trong tương lai là phải luôn duy trì và phát triển thế mạnh của doanh nghiệp, đào tạo nhân viên thật sự chuyên nghiệp và chăm sóc khách hàng tốt hơn nữa. Đội ngũ nhân sự nòng cốt, chất lượng cao sẽ đem lại thành công cho chúng tôi trong tương lai. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng nhượng quyền thương hiệu Sushi World và phát triển Akuruhi thành nhà cung cấp nguyên liệu chính và đạt tiêu chuẩn hàng đầu Việt Nam.
Tôi tự hào vì tôi có nhiều nhân viên trẻ , năng động , sáng tạo và gắn bó , đã sát cánh cùng tôi những khi gặp khó khăn, các “thượng đế” đã luôn ủng hộ tôi trong suốt chặng đường đã qua. Việc được đi học tập kinh nghiệm, nghiên cứu ngành ẩm thực từ nhiều quốc gia và có đối tác là các tập đoàn lớn của Nhật như Itochu , Ishimitsu , Gfc …đó là tài sản vô hình rất giá trị của tôi. Tôi tự tin rằng ngành ẩm thực sẽ không lỗi thời. (cười)
Ông làm gì để cân bằng giữa áp lực công việc và thời gian cho gia đình?
Ông Phan Thành Tân: Tôi thích học hỏi và nghiên cứu những thứ mà mình không có chuyên môn và thấy khá thú vị với những trải nghiệm đó. Ngoài giờ làm việc hoặc những ngày nghỉ, tôi dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa vài đồ vật trong nhà, rửa xe, và vài việc lặt vặt tay chân khác, hoặc ghé thăm cửa hàng Sushi World vừa mở ở quê nhà.
Nhiều người khá bất ngờ khi tôi đầu tư nhà hàng Nhật ở Củ Chi, bởi mức sống của người dân nơi đây còn chưa cao. Đơn giản vì tôi là người con của Củ Chi, nên tôi muốn người dân quê tôi được thưởng thức món ăn truyền thống của Nhật mà giá thành phù hợp với thu nhập với bà con nơi đây . Tôi thấy thật ý nghĩa và vui khi được làm những điều có này...!
Xin cảm ơn ông!
Kim Trang