Doanh nghiệp làm chủ cơ hội mở rộng không gian số

Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Sự mở rộng của nền kinh tế số xuất phát từ việc các doanh nghiệp (DN) áp dụng công nghệ kỹ thuật số, tăng năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.

Tiềm năng tăng trưởng phụ thuộc vào việc gia tăng mức độ tham gia kinh tế số. Phát triển kinh tế số là chặng đường dài mà theo các chuyên gia động lực phát triển chủ đạo phải đến từ sự chuyển mình của các doanh nghiệp.

Tiềm năng chuyển đổi mô hình

Nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company về nền kinh tế số của sáu quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á (e-Conomy SEA 2023 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) cho thấy doanh thu có triển vọng đạt mức 100 tỷ USD trong năm nay.

Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm thứ hai liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines). Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Tăng trưởng GMV trong hai năm tới sẽ được dẫn dắt bởi thương mại điện tử và du lịch trực tuyến. Việt Nam cũng đang thúc đẩy xu hướng này và trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số, tăng 19% từ năm 2022 đến năm 2023 và sẽ tiếp tục phát triển ở mức 13% CAGR trong giai đoạn 2023 - 2025.

Cụ thể, thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam và sự bùng nổ thanh toán QR đã khiến doanh nghiệp đồng loạt vào cuộc. Không chỉ đầu tư nghiêm túc và bài bản hơn, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công nhờ biết nắm bắt sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Từ nhận thức đến hành động

Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Để chuyển đổi số thành công trong các DN sản xuất, quan trọng nhất bắt đầu từ nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp. Việc chuyển giao không chỉ chuyển giao công nghệ cốt lõi mà còn tiếp nhận chuyển giao quản trị sản xuất, quản trị chuỗi cung ứng và quản trị nhân lực.

Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel Bùi Thị Hải Yến cho biết, năng suất lao động trong nền kinh tế số sẽ tăng gấp nhiều lần so với các phương thức đang áp dụng hiện nay, nghĩa là ở đó không chỉ tăng lên hàng chục phần trăm mà là hàng trăm phần trăm. Để doanh nghiệp Việt Nam đạt được điều đó, câu trả lời duy nhất chính là chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp cần phải đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Sự hợp nhất phát triển của hai không gian (thực và ảo) này tạo ra một hệ thống kinh tế mới dựa trên năng suất công nghệ số, quan hệ sản xuất công nghệ số, tài nguyên dữ liệu, ứng dụng công nghệ số và quản trị số…, vừa tạo ra không gian mới cho các doanh nghiệp phát triển, vừa là nơi diễn ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng số.

Theo bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại của Grab Việt Nam, bằng việc sử dụng các công cụ trực tuyến đơn giản, các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ có thể mở cửa hàng kinh doanh trực tuyến trên nhiều nền tảng; tiếp cận với nhóm người dùng mới nhanh chóng, rộng rãi, với chi phí tối ưu, từ đó có thêm nguồn doanh thu.

Chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi. Để trở thành một doanh nghiệp số, và để tận dụng được những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần không ngừng thay đổi và sáng tạo.

Bám sát mục tiêu xuyên suốt

Theo thống kê, về chuyển đổi số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nền tảng số dùng chung là lời giải. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra trên 30 nền tảng số xuất sắc phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp theo Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số smedx.vn. Hiện nay, tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng nền tảng số Việt Nam là khoảng 30,8% trên tổng số trên 850.000 doanh nghiệp trong cả nước. Mục tiêu đến năm 2025 có 50%, năm 2030 có 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số.

Với doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tự chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn và dẫn dắt hệ sinh thái chuyển đổi số doanh nghiệp ở Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước khi chuyển đổi số thành công sẽ hình thành hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu năng suất lao động tăng 4,8 - 5,3%. “Nếu không đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, tạo ra việc làm số và việc làm trong môi trường số thì mục tiêu thu hẹp năng suất lao động với các nước trong khu vực ngày một xa vời”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần sẵn sàng hành động và đổi mới, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động. Trong bối cảnh ấy, sự tham gia và vào cuộc của các cơ quan hỗ trợ, tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Sự gắn bó ấy chính là nhằm mở rộng cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và người dân để hiện thực hóa tất cả cơ hội kinh tế mới.

 

 

 

 

Ken Saigon

Khát vọng “đại bàng” kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/TW thu hút sự chú ý khi đưa ra tầm nhìn chiến lược nhằm mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quốc gia quan trọng.

Đồng Nai chuyển mình mạnh mẽ từ gian khó

Sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), nhiều huyện của tỉnh Đồng Nai đã vươn lên mạnh mẽ, từ vùng đất gian khó trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần cải thiện rõ nét chất lượng cuộc sống người dân.

Video