Doanh nghiệp góp phần lớn ngân sách cho Vĩnh Phúc
Hiện, tỉnh này có hơn 13.500 doanh nghiệp. Vĩnh Phúc đánh giá sự đóng góp của các doanh nghiệp giúp địa phương vượt qua ảnh hưởng của đại dịch, dần phục hồi kinh tế.
Để làm được điều này, lãnh đạo địa phương thực hiện phương châm "tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của tỉnh", ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp. Nhờ đó, môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Thời điểm mới tái lập, tỉnh chỉ có 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và một dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI). Đến nay, Vĩnh Phúc đã gần 500 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỷ USD và gần 900 dự án DDI, tổng vốn đầu tư gần 110.000 tỷ đồng.
Vĩnh Phúc trở thành điểm đến, phát triển của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới như: Toyota, Honda, Piagio, Sumitomo, Compal, Deawoo Bus, Tập đoàn Prime hay Thép Việt Đức... Nhờ đó Vĩnh Phúc trở thành 1 trong 15 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước; thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người nằm trong top đầu toàn quốc.

Bên trong nhà máy Toyota Việt Nam tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc
Đại diện tỉnh cho biết để doanh nghiệp yên tâm phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của các doanh nghiệp.
Song song, các doanh nghiệp cũng tiếp tục phát huy bản lĩnh, hiến kế giúp tỉnh tăng trưởng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tích cực chuyển đổi số; đầu tư tăng năng suất lao động và đồng hành trong các hoạt động phát triển của địa phương.
Nguồn: Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc