DNNN sẽ được tham gia dự án PPP dưới dạng liên danh?
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư sẽ cho phép các DNNN (100% vốn nhà nước) tham gia đấu thầu các dự án PPP dưới dạng liên danh.
[caption id="attachment_69769" align="aligncenter" width="700"]
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để vừa đảm bảo tính cạnh tranh theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện hiện tại trong nước, các DNNN chỉ được tham gia các dự án PPP dưới dạng liên danh với điều kiện tỷ lệ phần vốn nhà nước trong liên danh nhỏ hơn 51% (đại diện phần vốn tham gia của Nhà nước không có quyền quyết định dự án đầu tư trong liên danh) bởi theo quy định tại Khoản 4 Điều 144 Luật Doanh nghiệp, trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.
Theo ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, bản chất của PPP là hợp tác công - tư. Nếu cho phép DNNN được độc lập tham gia đấu thầu và trúng thầu dự án PPP thì dự án PPP sẽ biến từ hợp tác công - tư thành hợp tác công - công. Việc cho phép DNNN tham gia các dự án PPP dưới dạng liên danh là để đảm bảo dự án PPP vẫn phải duy trì được bản chất “công - tư” trong đó.
“Về lâu dài, để đảm bảo tính công khai, minh bạch của dự án PPP thì cần phải hạn chế tối đa, thậm chí là loại bỏ yếu tố công - công trong dự án PPP. Theo đó, các DNNN cần phải nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa, bán tối đa phần vốn góp của Nhà nước thì PPP sẽ là chân trời rộng mở đối với tất cả các nhà đầu tư”- ông Tăng cho biết.