DN Việt đừng hoang mang vì FSMA
Luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2017 - là đạo luật có tác động mạnh mẽ tới các DN có hoạt động xuất khẩu lương thực, thực phẩm vào Mỹ, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam (Xem bài: Nhiều DN lương thực quên “mua vé” vào Mỹ số 70, ngày 1/9/2017). DĐDN đã có buổi trao đổi với ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) xoay quanh nội dung này.
Theo ông Adam Sitkoff, FSMA đã được kí vào ngày 4/1/2011 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, đến tháng 5/2016, 7 quy tắc hướng dẫn cơ bản thi hành luật mới được hoàn thiện. Theo đó, từ ngày 1/9/2017, tất cả các lô hàng cá da trơn, cá tra xuất khẩu vào Mỹ đều được yêu cầu xuất trình đầy đủ hồ sơ cho Bộ Nông nghiệp Mỹ để phục vụ tái kiểm tra. Nghĩa là, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu lương thực, thực phẩm vào Mỹ sẽ phải kiểm tra nguồn hàng ngày từ khi còn ở trong nước một cách kỹ càng hơn so với trước đây.

- Điểm mới của FSMA so với các luật về thực phẩm trước đây là gì, thưa ông?
Một trong những điểm mới của FSMA đó là giám sát quy trình chuỗi cung ứng, từ mắt xích tại nơi sản xuất cho đến khi đến tay người tiêu dùng thông qua sự giám sát chặt chẽ từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Nếu FDA phát hiện thấy bất cứ sản phẩm nào có nguy cơ an toàn thực phẩm thì công ty nhập khẩu của Mỹ sẽ bị điều tra trước tiên, trong vòng 24h.
- Quy định này ít nhiều gây khó khăn cho chính các nhà nhập khẩu của Mỹ, tiếp theo là các nhà xuất khẩu nước ngoài, trong đó có DN VN, thưa ông?
Khi dự thảo lần đầu tiên của FSMA ra đời, cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà nhập khẩu của Mỹ. Bởi, họ cho rằng, FSMA đang “nhằm” vào hoạt động kinh doanh của họ. Song, trước thực tế nguy cơ về mất an toàn thực phẩm đang ngày một gia tăng, FDA nhận định, đây chỉ đơn giản là một quy định về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Và điều này đã làm yên tâm doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu của Mỹ. Đồng thời FDA cũng từng khẳng định, FSMA không hề nhằm vào bất cứ doanh nghiệp là đối tác của các công ty nhập khẩu Mỹ, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
- Với một thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, FSMA cũng có thể coi như một quy chuẩn mới về an toan thực phẩn toàn cầu, thưa ông?
FSMA được ra đời trong bối cảnh khi 1/6 người Mỹ bị ốm do mắc các bệnh được chuẩn đoán nguyên nhân là do lương thực và thực phẩm bị ô nhiễm gây ra. Điều này đã khiến ngành lương thực Mỹ mất hàng tỷ USD, bao gồm giá trị hàng hoá bị thu hồi và chi phí pháp lý. Vì vậy, FSMA cho phép FDA bảo vệ tốt hơn sức khoẻ cộng đồng bằng cách tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm.
Theo FSMA, hiện nay, các nhà máy thực phẩm có nguy cơ bị mất an toàn thực phẩm cao hơn trước đây. Nguyên nhân được chỉ ra đó là dịch bệnh gia súc, gia cầm có thể bùng phát bất cứ khi nào hoặc mối liên kết trong chuỗi cung cấp đã bị ô nhiễm trong các khâu như sản xuất, đóng gói hoặc vận chuyển. Ngoài ra, việc thay đổi thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài việc phải gia hạn đăng kí an toàn thực phẩm, các nhà máy thực phẩm sẽ phải được kiểm tra 3 năm một lần thay vì 10 năm như trước đây.
Mỗi quốc gia đều có luật về buôn bán thực phẩm khác nhau và Việt Nam cũng vậy. Các công ty của Mỹ muốn sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo rằng thực phẩm của mình đảm bảo an toàn. Nói cách khác, thực phẩm phải phù hợp với các thông số kỹ thuật có liên quan. Đồng thời đáp ứng các yêu cầu giới hạn đối với vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kim loại nặng, chất gây ô nhiễm. Và theo một cách nào đó, FSMA đang cải thiện an toàn thực phẩm trên toàn cầu.
Theo đó, không chỉ riêng doanh nghiệp Việt Nam mà tất cả doanh nghiệp muốn xuất khẩu lương thực, thực phẩm vào Mỹ đều phải gia hạn đăng kí an toàn thực phẩm, bắt đầu từ năm 2016.
- Trước những lo ngại về việc FSMA có thể tác động đến kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Trước khi có FSMA, hàng năm, FDA cũng đã sang làm việc trực tiếp nhằm kiểm tra và giám sát hoạt động an toàn thực phẩm tại các nhà máy thực phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, về cơ bản hoạt động của FDA khi FSMA có hiệu lực sẽ “siết chặt” và tăng cường hơn các hoạt động này.
Vì thế, điều quan trọng nhất là các công ty Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ trước tiên cần hiểu rõ yêu cầu và quy định của thị trường Mỹ, đặc biệt chú ý đến nội dung gia hạn đăng kí an toàn thực phẩm với FDA. Việc 1.000 doanh nghiệp Việt Nam mới đây “quên” gia hạn đăng kí là một bài học nhắc nhở các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm rõ thị trường Mỹ hoặc thiếu kinh nghiệm kinh doanh thì nên làm việc với một nhà nhập khẩu hoặc phân phối có uy tín và có thẩm quyền để tư vấn, hướng dẫn các công ty Việt Nam thông qua quá trình này.
- Xin cám ơn ông!