Định vị An Thịnh Group

Sở hữu loạt dự án đình đám tại Hoà Bình và Hà Nội, An Thịnh Group đang nổi lên là một “tay chơi” địa ốc giàu tham vọng. Vậy nhưng, giới chủ và tiềm lực tài chính của tập đoàn này vẫn còn nhiều bí ẩn...

Trụ sở của An Thịnh Group tại Hà Nội

Những bước tiến tại Hoà Bình của An Thịnh Group

Tháng 9/2020, Sở Xây dựng UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản số 3002 gửi Sở Thông tin và Truyền thông về việc đăng tải thông tin các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng, bán trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Cửu Long thuộc danh sách các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và bán hàng.

Dự án này có quy mô 60ha, toạ lạc tại các xã Nhuận Trạch, xã Cư Yên và xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, ban đầu do CTCP Đầu tư xây lắp dầu khí Hoà Bình làm chủ đầu tư.

Sau một thời gian dài đình trệ, năm 2019, dự án rậm rịch trở lại với sự xuất hiện của Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hoà Bình (Hasky Hoà Bình) trong vai trò chủ đầu tư.

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, đây dường như chỉ là bước “đệm” cho quá trình chuyển nhượng dự án.

Bởi lẽ, Hasky Hoà Bình mới được thành lập từ tháng 6/2019, do CTCP Hasky (tiền thân là CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và xây lắp Hoà Bình) nắm giữ 100% vốn.

Đến tháng 11/2019, CTCP Hasky chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Hasky Hoà Bình cho CTCP Đầu tư Tập đoàn An Thịnh (An Thịnh Group). Sau khi đổi chủ, dự án Khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Cửu Long được quảng bá rộng rãi với tên thương mại là Legacy Hill.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT An Thịnh Group - tại buổi lễ khởi công dự án Legacy Hill (Nguồn: An Thịnh Group)

Tại Hoà Bình, nhóm An Thịnh Group mới đây cũng đã trở thành chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn, tổng vốn đầu tư 1.008,5 tỉ đồng, quy mô 65ha, toạ lạc tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn.

Chủ đầu tư dự án theo công bố của UBND tỉnh Hoà Bình là liên danh CTCP đầu tư Reenco Hòa Bình (Reenco Hoà Bình), Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng (Thành Hưng) và CTCP Phát triển đô thị An Thịnh (An Thịnh Urban).

Dù là 3 pháp nhân riêng biệt, song các công ty này đều là những thành viên của An Thịnh Group.

Trong đó, Reenco Hoà Bình được thành lập từ năm 2010, vốn là thành viên của Tổng Cty Sông Hồng. Song, cập nhật tại thời điểm tháng 10/2019, An Thịnh Group (khi đó là CTCP Đầu tư Tập đoàn An Thịnh) đã sở hữu tới 55% vốn của Reenco Hoà Bình. Chủ tịch HĐQT của công ty này hiện do bà Nguyễn Thị Thanh Hương đảm nhiệm.

Nữ doanh nhân sinh năm 1981 không chỉ là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT của An Thịnh Group mà còn đứng tên ở nhiều pháp nhân khác trong hệ sinh thái.

An Thịnh Group của ai?

Những bước tiến tại Hoà Bình khiến An Thịnh Group được biết tới là “tay chơi” mới nổi giàu tham vọng trên thị trường bất động sản.

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, An Thịnh Group được sáng lập bởi một nhóm nhà đầu tư có thâm niên tích luỹ kinh nghiệm, tư bản và quan hệ trong lĩnh vực thi công xây dựng và bất động sản tại khu vực Hà Tây, Hà Nội từ hàng chục năm trước.

Thành lập tháng 9/2018, An Thịnh Group ban đầu có tên gọi là CTCP Đầu tư Tập đoàn An Thịnh (An Thịnh Group Invest). Cổ đông sáng lập bao gồm: An Thịnh Urban (sở hữu 60% VĐL), bà Nguyễn Thị Thanh Hương (20% VĐL) và bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (20% VĐL).

An Thịnh Urban – công ty mẹ của An Thịnh Group – thành lập từ năm 2011, được biết tới là đơn vị thi công hạ tầng cho khu công nghệ cao Hoà Lạc. Cập nhật tới tháng 11/2019, An Thịnh Urban có vốn điều lệ 368 tỉ đồng, vị trí Chủ tịch HĐQT do bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (SN 1983) đảm nhiệm.

Xét trong giai đoạn 2016 - 2019, dữ liệu của VietTimes cho thấy kết quả kinh doanh của An Thịnh Urban chỉ thực sự bứt phá vào năm 2018 với doanh thu đạt mức 440,36 tỉ đồng. Song, lợi nhuận thuần mà An Thịnh Urban ghi nhận trong năm 2018 lại khá mỏng, chỉ đạt 0,442 tỉ đồng.

Bước sang năm 2019, doanh thu và lợi nhuận thuần của An Thịnh Urban sụt giảm mạnh, lần lượt đạt 216 tỉ đồng và 0,257 tỉ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của An Thịnh Urban lần lượt đạt 857,6 tỉ đồng và 267,68 tỉ đồng.

Bất chấp những kết quả kinh doanh ảm đạm của An Thịnh Urban, theo tìm hiểu của VietTimes, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cùng chồng là ông Ninh Văn Đông sở hữu nhiều biệt thự và xe sang (Bentley, Mercedes-Benz).

Bà Thảo cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Vinamotor - chủ đầu tư tổ hợp địa ốc tại số 35B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong khi đó, An Thịnh Group và bà Nguyễn Thị Thanh Hương nắm cổ phần chi phối tại Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng (Thành Hưng). Công ty này được thành lập từ năm 2000 có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công.

Liên danh Thành Hưng – An Thịnh Urban là một trong các nhà đầu tư tham gia dự án "Nâng cấp trục chính sông Nhuệ (trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh trì, Thường Tín, Thanh Oai) kết hợp làm đường giao thông, cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang đô thị” theo hình thức BT, BOT tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, Thành Hưng còn liên danh với Công ty TNHH Hoàng Long (Liên danh Thành Long) là chủ đầu tư dự án tuyến đường giao thông phát triển kinh tế dài gần 9,8 km, đi qua địa phận nhiều xã tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư 40 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 8/2009.

Đáng chú ý, liên danh Thành Long là chủ đầu tư Dự án Khu biệt thự ven Suối Con Gái thuộc Khu dân dụng Bắc Phú Cát, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Tp. Hà Nội). Tới nay, dự án này được biết tới với tên thương mại là “Phú Cát City”, quy mô 190.536 m2, nằm trong Khu đô thị Hoà Lạc, do Thành Hưng làm chủ đầu tư.

Có một chi tiết ít được để ý, rằng bộ đôi nữ lãnh đạo của An Thịnh Group - bà Nguyễn Thị Thanh Thảo và bà Nguyễn Thị Thanh Hương - là em gái của một lãnh đạo tại ban quản lý của dự án mang tính hạt nhân tại khu vực này. Trước khi rẽ nghiệp sang ngạch công chức, vị lãnh đạo này là một doanh nhân, hoạt động tích cực trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Bảo An. Và ở giác độ nào đó, có thể xem, An Thịnh Group là một sự kế thừa - có hoàn thiện, bổ sung - của tập đoàn Bảo An ngày nào. Chi tiết này sẽ được VietTimes đề cập cụ thể hơn trong một bài viết khác.

Về Thành Hưng, dữ liệu của VietTimes cho thấy, pháp nhân này là một cổ đông ít biết của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). 4,99 triệu cổ phiếu NCB của Thành Hưng được định giá 39,99 tỉ đồng, tức chỉ 8.000 đồng cho mỗi cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với mệnh giá (10.000 đồng/cp).

Ngân hàng NCB, nên biết, cũng là nhà băng đã đồng hành bền bỉ với An Thịnh Group tại nhiều dự án bất động sản, trong đó có dự án Legacy Hill mà VietTimes đề cập ở đầu bài viết.

Bên cạnh đó, nhà băng này cũng là đối tác tín dụng quen mặt của CTCP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 41 (Hadisco 41). Thành viên của An Thịnh Group là chủ đầu tư dự án “Khu chung cư để bán và Văn phòng làm việc cho thuê” quy mô 9.140 m2 tại góc đường Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm, Hà Nội (tên thương mại Legacy).

Phu quân của bà Nguyễn Thị Thanh Hương – ông Hà Đình Quân (SN 1980) là người đại diện của CTCP Khoáng sản Đông Dương -1, cổ đông sáng lập của CTCP Bất động sản ATLAND cùng với các ông Hà Đình Hải và Mai Văn Tuấn.

Ông Mai Văn Tuấn (SN 1980) vào cuối năm 2019 đã thay thế bà Nguyễn Thị Thanh Hương làm Giám đốc CTCP Sản xuất đầu tư thương mại Thiên Phúc. Công ty này là chủ đầu tư dự án Khu đô thị The Spring Town rộng 6,1 ha tại xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - cổ đông sáng lập của An Thịnh Group – hiện là người đại diện theo pháp luật của CTCP Sản xuất vật liệu mới An Thịnh và CTCP Đầu tư Phát triển Du lịch Yên Bình./.

Theo VietTimes

Minh bạch và hiện đại hóa là chìa khóa chống thất thu thuế

Ngành Thuế đang chuyển mình mạnh mẽ trong công tác chống thất thu ngân sách, đặc biệt nhờ ứng dụng công nghệ số. Giải pháp này không chỉ giúp thu đúng, thu đủ mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế và xây dựng hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả.

Chống thất thu thuế bằng dữ liệu và công nghệ số

Ngành Thuế đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ với loạt giải pháp đột phá như số hóa, quản lý rủi ro và thanh tra chuyên đề. Những nỗ lực này không chỉ giúp thu đúng, thu đủ cho ngân sách mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống thuế minh bạch, hiện đại trong thời kỳ kinh tế số.

Cuộc chiến cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa đang nằm ở kênh phân phối?

Sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng trên thị trường “sân nhà” là điều mà các doanh nghiệp nội địa không thể làm ngơ. Nhất là “cuộc chiến” cạnh tranh đang nằm ở kênh phân phối khi đua nhau gia tăng độ phủ sản phẩm, như “phép thử” để xem doanh nghiệp liệu có thể đứng vững trong giai đoạn còn nhiều khó khăn này.

Video