Đích ngắm mới của nhà đầu tư ngoại
Trong khi các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư nước ngoài lớn đang bận rộn tìm cơ hội đầu tư vào những công ty lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk hay Vietnam Airlines, ở phân khúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cũng sôi động không kém.

Dịch chuyển
Ông Kim Ja Jum cho biết, nếu tìm được công ty phù hợp, công ty của ông sẽ đầu tư ít nhất 25 triệu USD để nắm cổ phần chi phối. “Chúng tôi khoanh vùng rót vốn vào các doanh nghiệp sản xuất, bởi có hai chiến lược mà các công ty Hàn Quốc đang thực hiện, đó là mua nguyên vật liệu ở Việt Nam về sản xuất, rồi bán ngược lại cho Việt Nam, hoặc doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam trực tiếp sản xuất để bán tại Việt Nam và ASEAN”, ông nói. Đi cùng với Kiwoom lần này, còn có 13 quỹ đầu tư khác từ Hàn Quốc cùng tới để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và đầu tư Hàn Quốc, bật mí rằng hiện tại các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đàm phán với 12 công ty Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, dược phẩm, fintech. Và nếu không có gì thay đổi, những thương vụ này sẽ hoàn thành trong vòng nửa năm nữa.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc tới các DNVVN Việt Nam cho thấy một xu hướng dịch chuyển mới trên thị trường M&A. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài hầu hết chỉ chú ý đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, hoặc các doanh nghiệp Nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa và nắm giữ nhiều lợi thế kinh doanh, thì nay họ cũng đang nhìn thấy cơ hội đầu tư từ cả các doanh nghiệp nhỏ. Ông Jacob Won, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Locus Capital của Hàn Quốc cho rằng sau một quá trình tăng trưởng mạnh ở trong nước, các công ty Hàn Quốc có tiềm lực mạnh về tài chính và cách duy nhất mở rộng hoạt động kinh doanh là đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam, với lợi thế là một thị trường đầu tư thân quen, đã được các tập đoàn lớn của Hàn Quốc nghiên cứu kỹ tất nhiên sẽ là một trong những điểm đến của nhà đầu tư Hàn Quốc ở quy mô nhỏ hơn.
Nhưng không chỉ có các công ty Hàn Quốc, các công ty Nhật Bản cũng đang rất tích cực săn lùng cơ hội thông qua hoạt động M&A. Ông Shosuke Mori, Phó tổng giám đốc bộ phận ngân hàng quốc tế, Ngân hàng Sumitomo Mitsui cho rằng, thị trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn dòng vốn Nhật là vì có những yếu tố như tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, vị trí địa lý gần thị trường lớn như Trung Quốc, Thái Lan và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ KH - ĐT, trong 10 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt trên 4,7 tỷ USD. Con số này dự báo sẽ vượt mức 5 tỷ USD trong năm nay, cho thấy xu hướng đầu tư thông qua hoạt động M&A tại Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Chìa khóa thu hút tỷ USD
Dòng vốn đầu tư vào các DNVVN ở Việt Nam dường như đã chuẩn bị sẵn. Ở Hàn Quốc, ông Won cho biết, có tới 14 tổ chức, quỹ đầu tư có vốn khoảng 1 tỷ USD sẵn sàng đầu tư vào các thương vụ M&A ở Việt Nam. Hay như làn sóng đầu tư M&A từ Nhật Bản và cả Trung Quốc mới đây cho thấy một lượng vốn lớn đang đứng chờ sẵn ở cửa các doanh nghiệp trong nước. Nhưng làm cách nào để thu hút được lượng vốn đầu tư đó và đưa doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn thì sẽ phụ thuộc phần lớn vào các DNVVN. “Khó khăn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc phải đối mặt là sự thiếu minh bạch trong các báo cáo tài chính”, ông Won cho biết.
Đúng như lời ông Won nói, thiếu thông tin minh bạch để định giá về doanh nghiệp cũng như đánh giá các rủi ro, tính khả thi khi đầu tư là khó khăn không chỉ các nhà đầu tư Hàn Quốc gặp phải. Các DNVVN Việt Nam phần lớn vẫn yếu về năng lực quản trị, lập kế hoạch kinh doanh và thiếu thông tin lưu trữ. Đây cũng chính là lý do khiến các doanh nghiệp này khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng trong nước.
Ông Đỗ Hữu Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Diana Unicharm, người đã thực hiện bán công ty Diana của mình cho nhà đầu tư Nhật Bản, chia sẻ rằng các DNVVN nếu muốn M&A thành công với đối tác nước ngoài thì phải xác định ngay từ đầu. Trước tiên, doanh nghiệp cần tìm đối tác chiến lược giúp minh bạch hóa cơ cấu tài chính, tái cấu trúc công ty. Đó chính là cách mà Diana đã thực hiện M&A thành công với Unicharm của Nhật ở mức giá khá cao là 158 triệu USD vào năm 2011.