ĐHĐCĐ BIDV: Dự kiến trích 6.500-7.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng năm 2016
Mức trích lập dự kiến này tăng 15-23% so với năm 2015. Năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến khó tăng lên mức 20% do yêu cầu của NHNN. Còn tăng trưởng huy động vốn được Tổng Giám đốc đề xuất chỉ nên giữ ở mức 19%, thay vì 21-22% như kế hoạch.
Sáng ngày 22/10, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID - HoSE) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2016. Tại Đại hội này, BIDV trình và xin ý kiến cổ đông thông qua các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của BIDV, quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT.
Theo đó, Điều lệ sẽ sửa đổi quy định về người đại diện pháp luật của BIDV, thay vì là Chủ tịch HĐQT, Điều lệ sẽ sửa đổi người đại diện là Tổng Giám đốc. Ngoài ra, một nội dung khác của Điều lệ liên quan đến thẩm quyền của Người đại diện theo pháp luật cũng được thay đổi do BIDV cho rằng đây là thẩm quyền đương nhiên.
Đại hội được tổ chức với sự tham gia của 412 cổ đông đại diện cho 96,08% số cổ phần có quyền biểu quyết. 100% cổ đông có quyền biểu quyết đã thống nhất thông qua tờ trình về sửa đổi Điều lệ.
Đại hội thảo luận
Thay mặt ban Chủ tọa và ban lãnh đạo BIDV, ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV là người đứng ra trả lời chính các câu hỏi của cổ đông.
Cổ tức trả muộn do "cơ chế nhà nước xử lý vấn đề hơi chậm"
Vấn đề cổ tức được các cổ đông quan tâm đầu tiên. Một cổ đông đề xuất ĐHĐCĐ năm 2017 phương án chia cổ tức nên thực hiện thành nhiều đợt, đợt đầu bằng tiền mặt, đợt hai có thể là một phần bằng tiền mặt. Cổ đông gắn bó nhiều năm với BIDV này cũng cho hay “Nếu các vị muốn tăng vốn, cổ đông sẵn sàng mua cổ phần tăng vốn điều lệ, chứ không thể để tình trạng như năm nay.” Cổ đông này cũng cho rằng khoản cổ tức năm 2015 tỷ lệ 8,5% bị chi trả “lâu kỷ lục”, sau gần 6 tháng ra Nghị quyết cổ tức vẫn chưa chi trả.
Về lý do quyết định trả cổ tức năm 2015 bằng tiền thay vì bằng cổ phiếu, ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên BIDV cổ đông đã quyết định phương thức trả cổ tức có thể là cổ phiếu hoặc tiền. Ngay thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, BIDV đã báo cáo NHNN và Bộ Tài chính nhưng chưa nhận được ý kiến chính thức. Vì ĐHĐCĐ đã giao cho HĐQT lựa chọn nên đây vấn đề trả cổ tức bằng tiền không cần đưa vào nội dung họp tại Đại hội này.
Thường quyết định chi trả cổ tức được chốt tại ĐHĐCĐ. Nhưng với đặc thù của BIDV khi cổ đông lớn là NHNN nên quyết định phụ thuộc vào cơ quan nhà nước. Quyết định HĐQT vừa mới công bố chiều tối hôm qua đã chốt cổ tức năm 2015 sẽ được thanh toán bằng tiền mặt vào ngày 21/11 tới. “Cơ chế nhà nước đôi khi xử lý vấn đề hơi chậm”, ông Tú cùng ban lãnh đạo cũng rất trăn trở khi cổ tức trả chậm hơn quy định (sau 6 tháng).
Kiểm soát tăng trưởng huy động vốn ở mức 19%, thấp hơn kế hoạch
Tóm lược kết quả kinh doanh, tình hình tài chính của BIDV quý III, ông Tú nhận định BIDV đang thực hiện “tương đối tốt” các mục tiêu ĐHĐCĐ đưa ra. Năm chỉ tiêu đề ra đang được bám sát.
Cụ thể, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến đến cuối năm 18%, nếu NHNN cho phép có thể tăng lên 20% nhưng sẽ khó tăng lên mức 20% do yêu cầu của NHNN. Tăng trưởng huy động vốn dư kiến 21-22% nhưng được ông Tú đề xuất nên giữ ở mức 19%, để đảm bảo hiệu quả ngân hàng. Lợi nhuận kế hoạch 7.900 tỷ và đến nay cũng đã hoàn thành 70% sau 9 tháng, trên cơ sở trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. Mức cổ tức tối thiểu 7% cho năm 2016 phấn đấu vẫn hoàn thành. Mức nợ xấu 2-3% theo ông Tú cũng nằm trong tầm kiểm soát của BIDV.
Trăn trở hệ số CAR
Với việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông cũng đặt ra câu hỏi về hệ số CAR liệu có đạt yêu cầu không? Ông Tú cho biết hiện hệ số CAR của BIDV đã đạt hơn 9%, gần ngưỡng quy định. BIDV là một trong 10 ngân hàng được lựa chọn để thực hiện áp dụng tiêu chuẩn Basel II dự kiến vào năm 2018. Nếu sang năm tiếp tục chi trả cổ tức bằng tiền mặt, BIDV sẽ phải điều chỉnh các hoạt động để đảm bảm hệ số CAR bằng cách vừa tăng trưởng trưởng vốn tự có vừa kiểm soát, gia tăng vừa phải tài sản có rủi ro.
Đây cũng là điều lãnh đạo BIDV trăn trở, nhưng ông Tú khẳng định BIDV sẽ vẫn phải chấp hành, các chỉ số an toàn, nhất là hệ số CAR.
Về vấn đề tỷ lệ cho vay ngắn hạn trên trung dài hạn, ông Tú cho biết hiện người gửi tiền trung dài hạn rất ít trong khi nhu cầu vốn trung dài hạn rất lớn. BIDV đang giữ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 45%. Từ 1/1/2017, tỷ lệ này yêu cầu 50% và dự kiến giảm tiếp trong năm 2018 xuống 40%. Nên tỷ lệ này của BIDV hiện vẫn nằm trong giới hạn.
Trích lập dự phòng RRTD năm 2016 dự kiến tăng mạnh
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc trích lập dự phòng RRTD, ông Tú cho biết BIDV thực hiện trích lập theo chất lượng tín dụng từng thời điểm. Với chất lượng tín dụng hiện tại, trích lập dự phòng rủi ro năm nay 6.500-7.000 tỷ đồng. Con số này khá lớn nếu so với mức trích lập năm 2015 (5.676 tỷ đồng). Còn trước đó, năm 2014, BIDV đã trích lập dự phòng RRTD kỷ lục 6.985 tỷ đồng.
Nợ bán cho VAMC đã dự thu trái phiếu VAMC hơn 20.500 tỷ đồng. Theo quy định, mỗi năm BIDV cần trích 20%. Hiện BIDV đang trích đủ số này. Ông Tú cũng chia sử thêm tỷ lệ trích VAMC hiện nay đã dư 4 ngàn tỷ nên vẫn đảm bảo cân bằng. Trong số trích dự phòng, BIDV cân đối trích trái phiếu VAMC và trích rủi ro cho hoạt động tín dụng nội bảng của BIDV. Ông Tú khẳng định các cổ đông có thể yên tâm về vấn đề này.
Trước thềm Đại hội
Mới đây, BIDV đã công bố báo cáo tài chính quý III/2016 của riêng công ty mẹ với thu nhập lãi và lợi nhuận tăng trưởng. Lợi nhuận trước trích lập dự phòng tăng mạnh hơn 81% nhưng quý III BIDV lại trích lập tới 2.462 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 1.937 tỷ đồng, tăng 4,3% cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 4.569 tỷ đồng, tăng 7,25% so với cùng kỳ.
Ngày 21/10, trước thềm ĐHĐCĐ một ngày, HĐQT BIDV cũng đã thống nhất thông qua điều chỉnh phương án chi trả cổ tức, thay vì chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, hình thức chi trả cổ tức sẽ là bằng tiền mặt. . Tỷ lệ cổ tức chi trả vẫn giữ ở mức 8,5%. Với 3.418 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính, BIDV sẽ phải chi trả 2.905 tỷ đồng.
Theo NDH