Để kinh tế Việt Nam bứt phá
![]() |
Nguồn nhân lực là yếu tố để Việt Nam phát triển. Ảnh: Thu Hồng |
Việt Nam đang trở thành trung tâm thương mại châu Á
Tờ Financial Times đặt câu hỏi liệu Việt Nam có thể vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” hay không và tự trả lời: "Việt Nam hoàn toàn có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", dù đây là thách thức không nhỏ. Financial Times chỉ ra ba yếu tố giúp Việt Nam có cơ hội lớn để bứt phá.
Thứ nhất, vị trí địa lý và chính trị ổn định là lợi thế lớn giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Với bờ biển dài 3.300km, Việt Nam nằm dọc theo các tuyến đường thương mại quan trọng trên Biển Đông, giúp dễ dàng kết nối với thị trường toàn cầu. Chính phủ Việt Nam duy trì quan hệ cân bằng với các cường quốc, tạo môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Nhờ những lợi thế này, Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tốc độ ấn tượng. Từ năm 2015, FDI vào Việt Nam luôn chiếm khoảng 5% GDP mỗi năm. Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản chiếm phần lớn đầu tư trong những thập kỷ gần đây.
Việt Nam không chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa mà còn đang phát triển thành một trung tâm sản xuất và công nghiệp quan trọng. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới đã tăng từ 0,1% năm 1996 lên 1,7% năm 2022 - vượt qua nhiều đối thủ trong khu vực.
Những công ty toàn cầu như Apple, Intel, Samsung, Boeing hay Coca-Cola đều có nhà máy sản xuất lớn tại Việt Nam. Căng thẳng thương mại càng làm gia tăng xu hướng các doanh nghiệp quốc tế dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh rủi ro chuỗi cung ứng.
Chính phủ cải cách mạnh mẽ
Thứ hai, nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bền vững của Việt Nam là một chính phủ cải cách mạnh mẽ. Sau những năm khó khăn của kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã thực hiện chính sách Đổi Mới vào cuối thập niên 1980, mở cửa cho đầu tư nước ngoài và áp dụng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính sách này giúp Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút FDI.
Nhưng điều quan trọng là Việt Nam không dừng lại ở những cải cách ban đầu. Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp để nâng cấp nền kinh tế như cải cách doanh nghiệp Nhà nước để tăng tính cạnh tranh; đầu tư mạnh vào hạ tầng và năng lượng để hỗ trợ tăng trưởng bền vững; giảm thuế và đơn giản hóa quy định kinh doanh để khuyến khích đầu tư tư nhân.
Theo Economist Intelligence Unit, Việt Nam là quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong hai thập kỷ qua.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện kế hoạch tinh gọn bộ máy, sáp nhập các bộ, sở, ngành để đảm bảo có bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. TINH
Thần của người Việt
Thứ ba, theo Financial Times, sự cởi mở của Việt Nam đối với việc cải cách thị trường có lẽ xuất phát từ lợi thế độc đáo là người Việt có tinh thần doanh nhân mạnh mẽ.
Theo Rainer Zitelmann, tác giả cuốn How Nations Escape Poverty (tạm dịch “Các quốc gia thoát nghèo thế nào”), người Việt có quan điểm rất tích cực về kinh doanh và làm giàu. So với nhiều quốc gia khác, họ có cái nhìn thiện cảm hơn với những người giàu có, coi họ là sáng tạo, thông minh và chăm chỉ.
Có ba yếu tố minh chứng cho tinh thần doanh nhân mạnh mẽ của người Việt. Một là giáo dục được coi trọng – Việt Nam có hệ thống giáo dục tốt, với tỷ lệ học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế.
Hai là khởi nghiệp phát triển mạnh – Việt Nam hiện có 6 kỳ lân công nghệ (startup trị giá trên 1 tỉ USD), nhiều hơn cả Tây Ban Nha hay Italy.
Ba là phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế – Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn cả mức trung bình của các nước phát triển.
Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cần tiếp tục đầu tư. Cải cách thể chế cần được đẩy mạnh. Thách thức địa chính trị và sự phụ thuộc vào FDI cũng là rủi ro tiềm tàng.
Nhưng như Ngân hàng Thế giới từng nhận định, những quốc gia thành công vượt qua bẫy thu nhập trung bình đều có ba yếu tố: kỷ luật với lợi ích nhóm, đầu tư vào nguồn nhân lực và hiện đại hóa chính sách.
Việt Nam đang đi đúng hướng với một chính phủ cải cách và một dân tộc tràn đầy khát vọng. Nếu có một quốc gia nào ở Đông Nam Á có thể thoát bẫy thu nhập trung bình, thì đó chính là Việt Nam – tờ Financial Times kết luận.