Cộng đồng doanh nghiệp TPHCM cần hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp nhận thức về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững ngay từ bây giờ. Song song đó, mỗi doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì đó là nền tảng cho phát triển bền vững, là bản sắc, là thương hiệu không chỉ của doanh nghiệp mà còn đóng góp cho việc xây dựng thương hiệu của Thành phố.
Cộng đồng doanh nghiệp TPHCM cần hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhiệm kỳ VI được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tại Đại hội lần này - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Chiều 13/12, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 với chủ đề: "Doanh nghiệp vững mạnh - Thành phố phát triển" với sự tham dự của 400 đại biểu chính thức.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Võ Tấn Thành dự Đại hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, trong nhiệm kỳ 2016-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là do dịch bệnh hoành hành nhưng Hiệp hội đã chủ động, sáng tạo, xuất sắc hoàn thành và vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Đại hội VI đã đề ra, các chương trình đã đăng ký với Thành phố.

Cụ thể, Hiệp hội đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động và phát triển hội viên, đặc biệt tập hợp được các tập đoàn, tổng công ty làm nòng cốt. Từ 58 hội, câu lạc bộ và 9.000 hội viên, đến nay đã quy tụ được 75 tổ chức hội thành viên tập thể (trong đó gồm 72 hội, câu lạc bộ doanh nghiệp thành viên chính thức và 3 hội viên liên kết) với 16.898 doanh nghiệp hội viên thông qua tổ chức và 650 doanh nghiệp hội viên trực tiếp.

Cộng đồng doanh nghiệp TPHCM cần hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Đại hội - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Hiệp hội đã hình thành quan hệ đồng hành với chính quyền, tương tác với các cơ quan chức năng, liên kết chặt chẽ trong hệ thống các tổ chức thành viên, phối hợp tốt các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước, thực hiện thành công các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, caravan... 

Nổi bật là những chương trình có tầm vóc quốc tế trong các năm 2018, 2019, 2022 qua Diễn đàn Kinh tế Thành phố với các chủ đề: "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp", "Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM"…

Hiệp hội đã duy trì và tăng cường thăm cơ sở, hội viên để nắm bắt tình hình thực tế của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhiều kiến nghị của Hiệp hội và các tổ chức hội, câu lạc bộ thành viên đã được Hiệp hội kiến nghị bằng văn bản hoặc thông qua các cuộc họp với các cơ quan từ Trung ương đến thành phố, qua đó tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp hoạt động.

Nhiều ý kiến, đề xuất của Hiệp hội đã được UBND Thành phố ghi nhận và giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền thì thành phố trình lên Trung ương, giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin như: Kiến nghị về áp trần lãi suất, quy định về việc quảng cáo, kiến nghị cách tính tiền thuê đất, một số trường hợp vướng mắc trong việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng, việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thị trường bán lẻ, khởi nghiệp, giãn thời gian nộp thuế, hỗ trợ lao động trong đại dịch… đã được các cơ quan đơn vị quan tâm.

Cộng đồng doanh nghiệp TPHCM cần hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Đại hội - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Phát triển bền vững đi đôi với xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố có trên 515.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đăng ký. Đây là lực lượng đông đảo, quan trọng, quyết định sự phát triển của Thành phố, quyết định chất lượng, tốc độ phát triển của Thành phố. Không chỉ đóng góp về mặt kinh tế - tài chính mà cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đã đóng góp, hiến kế cho định hướng phát triển, cho chính sách phát triển và cũng từ sự chuyển động mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, của khu vực tư nhân đã tạo áp lực để khu vực công đổi mới và phát triển đi theo.

Trong phát biểu của mình, ngưới đứng đầu chính quyền Thành phố cũng dành sự ngợi khen cho 2 hoạt động lớn của cộng đồng doanh nghiệp Thành phố. Đó là Chương trình bình ổn giá đã được các doanh nghiệp tham gia tích cực, trách nhiệm, đồng bộ trong điều kiện rất khó khăn khi Thành phố thực hiện kinh tế thị trường và Diễn đàn Kinh tế Thành phố.

Đối với Diễn đàn Kinh tế Thành phố, ông Mãi cho rằng, đó là hoạt động có tính chất là nét son của Hiệp hội đối với Thành phố. Sau một năm đối phó với dịch bệnh, Hiệp hội đã tổ chức Diễn đàn năm 2022 ở tầm quốc tế.

Trong thời gian tới, ông Mãi cho hay, lãnh đạo Thành phố cùng với lãnh đạo Hiệp hội và các chuyên gia đang suy nghĩ để tiếp cận với Diễn đàn Kinh tế thế giới, về cách tổ chức, cách xác định vấn đề và những khuyến nghị từ diễn đàn này để Thành phố trở thành một phần trong hệ sinh thái này, như vậy Diễn đàn kinh tế Thành phố sẽ rất có uy tín, làm cơ sở cho việc ban hành những định hướng phát triển Thành phố cũng như chính quyền sẽ tham khảo trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội của mình.

Cộng đồng doanh nghiệp TPHCM cần hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững - Ảnh 4.

Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhiệm kỳ VII (2022-2027) ra mắt Đại hội - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Về định hướng thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội tham gia tích cực và hiệu quả trong việc triển khai chiến lược kinh tế - xã hội của thành phố. Thành phố đặt mục tiêu, đến năm 2030, là đầu tàu của cả nước về kinh tế số, chính quyền số và xã hội số; là trung tâm khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe của khu vực. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của người dân Thành phố là 14.500 USD/người. Vì vậy, đội ngũ cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố có tính chất quyết định cho sự phát triển của Thành phố. Nếu cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ, cùng hành động thì Thành phố sẽ tiếp cận mục tiêu nhanh hơn.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp  nhận thức về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững ngay từ bây giờ. Song song đó, mỗi doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì đó là nền tảng cho phát triểm bền vững, là bản sắc, là thương hiệu không chỉ của doanh nghiệp mà còn đóng góp cho việc xây dựng thương hiệu của Thành phố.

Ông Phan Văn Mãi cam kết lãnh đạo Thành phố sẽ hợp tác, đối thoại với doanh nghiệp, trong quá trình điều hành có lắng nghe và có điều chỉnh. Đồng thời, nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

UBND Thành phố sẽ kiên trì đầu tư nguồn lực nhiều hơn, thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hướng tới điều hành thành phố thông minh, lấy minh bạch, hiệu quả làm tiêu chí.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII (2022 - 2027) gồm 76 vị, Ban Kiểm tra gồm 5 vị, Ban Thường trực gồm 15 vị. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhiệm kỳ VI, được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nhiệm kỳ VII.

Theo Anh Thơ (Chinhphu.vn)

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video