Chia cổ tức nhà băng: Ưu tiên… “lý lẽ” nào?
Trường hợp ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã thông qua quyết định được chia cổ tức bằng cổ phiếu hay giữ lại lợi nhuận không chia, trong khi Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem lại để chia cổ tức bằng tiền cho thấy trong lĩnh vực ngân hàng, không phải ở thời điểm nào, mong muốn được… chia tiền cũng nhận được đồng thuận cao.
[caption id="attachment_23877" align="aligncenter" width="700"]
Đã đặt đồng tiền vào góp vốn cổ phần cho doanh nghiệp, phần đông các cổ đông đầu tư dài hạn đều trông đợi vào 2 nguồn lợi tức: Lợi tức từ cổ tức định kỳ (thường niên) và lợi suất sinh lợi từ giá đầu tư cổ phiếu tăng lên.
Cổ đông nói chung mong đợi gì?
Với cổ đông ngân hàng, các kỳ vọng tuy xuất phát trên nền tảng cơ bản trên nhưng còn tùy thuộc chủ thể cổ đông là ai và việc chia cổ tức diễn ra ở bối cảnh, thời điểm nào.
Ví dụ, với cổ đông ngân hàng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đầu tư mua cổ phần nhà băng khi cổ phần hóa, IPO, hoặc đầu tư giao dịch trên sàn (OTC, Upcom, Niêm yết)… đại đa số các đồng chủ sở hữu này trong những năm gần đây đều có mong muốn “đơn giản” là được chia cổ tức bằng tiền. Lý do là việc chờ nguồn lợi suất từ thời thị giá cổ phiếu tăng cao và giao dịch mua bán cổ phiếu thanh khoản tốt đã qua.
Cổ phiếu ngân hàng thực tế cũng đã qua thời cổ phiếu “vua”. Ngay cả những giai đoạn tăng điểm vượt trội của BID (mã chứng khoán của BIDV), CTG (mã chứng khoán của Vietinbank), VCB (mã chứng khoán của Vietcombank) diễn ra ở năm 2015 dù kéo khá dài với tăng trưởng có lúc vượt cả tăng trưởng VNIndex, sức nóng này cũng không đủ để đưa cổ phiếu ngân hàng trở lại ngôi hấp dẫn dẫn đầu.
Đối với cổ đông là các cổ đông lớn tư nhân, quỹ đầu tư, tổ chức đầu tư (từ 5% trở lên)… cũng tùy khẩu vị và mục tiêu mà kỳ vọng của họ có sự khác biệt. Thời điểm trước khi ngân hàng quyết liệt tái cấu trúc (2012-2013), nhiều cổ đông lớn là các chủ sở hữu tư nhân vẫn muốn được chia cổ tức bằng tiền, để lấy nguồn tiền giải quyết các vấn đề khác như nợ xấu của doanh nghiệp sân sau, giải chấp cổ phiếu…hay khắc phục dần sở hữu chéo… Nhưng cũng có thời điểm họ chọn cổ phiếu để củng cố tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng trước nguy cơ thâu tóm…
Trong khi đó, đại diện một quỹ đầu tư cho biết, mong muốn tiền từ cổ tức luôn là thứ yếu với mục tiêu của quỹ khi tham gia ngân hàng; bởi họ không bị động về đòn bẩy tài chính hoặc áp lực sinh lời ngay, nên sẽ luôn chờ đợi giá cổ phiếu có thể đạt tỷ suất sinh lời kỳ vọng ở một thời điểm tốt nhất và thoái vốn. Quá tệ hơn họ chấp nhận hòa vốn hay cắt lỗ. ANZ, Dragon Capital từng nắm giữ rất lâu STB (Sacombank) mới thoái vốn mở đường những năm gần đây, là một điển hình.
Ngân sách và ngân hàng – bên nào… cần tiền hơn?
Câu chuyện quyết định chia cổ tức năm 2015 bằng tiền tại 2 ngân hàng này đang diễn ra tranh cãi nhiều chiều là một ví dụ khá rõ cho thấy ở góc độ Bộ Tài chính, người chịu trách nhiệm thu ngân sách, họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng ngân sách – như một hiển nhiên. Đáng tiếc, sự quan tâm này chưa được nhất quán về mặt chủ trương, từ “căn cứ vào các quy định” đến các quyết sách hoạt động cụ thể tại những doanh nghiệp lớn mà Nhà nước đang có vốn cổ phần.
Sự bất nhất chủ trương – hoạt động và có phần không phù hợp với xu thế kinh tế thị trường lộ rõ khi đại diện vốn Nhà nước tại các ngân hàng nói trên đều đã đồng thuận, đặc biệt với tỷ lệ sở hữu chi phối, họ gần như nắm quyết định cao đối các tờ trình chia cổ tức bằng cổ phiếu (tại BIDV) hay giữ lại lợi nhuận không chia (tại Vietinbank)).
Tờ trình đã thông, Nghị quyết đã ra, Bộ Tài chính mới có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đi… can thiệp. Yêu cầu này có nghĩa đã phủ quyết quyết định của đại hội đồng cổ đông ở các nhà băng. Mặt khác, sẽ đẩy cơ quan quản lý trực tiếp (Ngân hàng Nhà nước) vào thế bí. Một chuyên gia cho rằng đúng là Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền can thiệp và phê duyệt, nhưng không có cái lý nào Ngân hàng Nhà nước sẽ phủ quyết, yêu cầu lại. Điều đó mang tính phi thị trường”, vị chuyên gia nói.
Hơn ai hết, những chủ thể thuộc quyền chi phối của nhà nước là các ngân hàng cũng thấu hiểu yêu cầu cân đối giữa bổ sung ngân sách và nhu cầu giữ lại nguồn lợi nhuận chưa phân phối. “Chúng tôi đã có “lịch sử” chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ khá cao trong những năm gần đây, trong bối cảnh các Ngân hàng TMCP khác đều chọn chi bằng cổ phiếu hoặc không chia. Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư vẫn nắm giữ BID và CTG. Nhưng nếu một năm không chia, chưa nhận thì tiền vẫn còn đó. Đổi lại, BIDV và Vietinbank chắc chắn sẽ có một nguồn lực để vươn lên hơn nữa theo đúng nhiệm vụ nhà nước giao…” – Một lãnh đạo ngân hàng không muốn nêu tên chia sẻ.
Bội chi, trả nợ nước ngoài, đầu tư công mới…, Việt Nam đang trong giai đoạn huy động mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vĩ mô. Việc thực thi tái cấu cơ cấu những ngân hàng 0 đồng và hỗ trợ cho các chính sách khác (như chính sách nhà ở xã hội lãi suất cho vay 4,8% mà Thống đốc Ngân hàng nhà nước kiêm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lê Minh Hưng vừa thông qua)… cũng đang rất cần nguồn lực.
Chủ sở hữu đại diện vốn Nhà nước tại các ngân hàng gốc quốc doanh tất nhiên theo đó sẽ càng cần tiền mặt cho ngân sách. Tiền mặt chứ không phải là cổ phiếu! Chỉ có điều mong muốn cần cân đối giữa các mục tiêu ưu tiên. Nếu xem ngân hàng là huyết mạch và cần được hỗ trợ mọi nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì việc “nhịn” cổ tức một năm có lẽ cũng không phải là chuyện “không thể không nhịn được”, đặc biệt khi đóng góp nguồn thuế từ thu nhập doanh nghiệp của 2 ngân hàng không hề “khiêm tốn”. Họ, chắc chắn sẽ nộp được nhiều hơn nữa nếu khỏe hơn, lớn hơn.
BIDV và CTG dù sao cũng là ngân hàng đã cổ phần, sự tôn trọng lá phiếu của các cổ đông ngoại và nhà đầu tư khác là cần thiết. Nhà nước muốn huy động thêm vốn, giảm sở hữu cổ phần nhà nước một cách có giá tại các ngân hàng này, nhằm thu tiếp tiền về cho nhà nước, càng không thể không trông đợi tinh thần “thượng tôn” lá phiếu của các nhà đầu tư đại chúng.
Theo DĐDN