Chàng trai tạo dựng công ty tỷ đô sau lần mất tiền oan

Mất 500 bảng Anh tiền chênh lệch, Kristo Kaamann quyết định xây dựng website chuyển tiền với mức phí thấp hơn ngân hàng.

Hơn 10 năm trước, chàng trai người Estonia - Kristo Kaamann, cảm thấy bực tức vì mắc một sai lầm khi chuyển tiền từ Anh về nước, nhưng đó cũng chính là khởi nguồn cho ý tưởng kinh doanh của anh. 

Năm 2008, Kristo, khi đó 28 tuổi, đang là nhân viên tư vấn quản lý tại London. Vào dịp Giáng sinh, Kristo nhận được khoản tiền thưởng trị giá 10.000 bảng Anh (khoảng 13.000 USD). Do mức lãi suất tiền gửi tại quê nhà cao hơn ở Anh, Kristo quyết định chuyển số tiền được thưởng sang tài khoản tiết kiệm tại Estonia với mục đích kiếm thêm chút thông qua chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia.

Kristo Kaamann, giám đốc điều hành TransferWise. Ảnh: BBC. 

Kristo Kaamann, giám đốc điều hành TransferWise. Ảnh: BBC. 

"Tôi đã trả cho ngân hàng tại Anh mức phí 15 bảng (khoảng 19 USD) và chuyển khoản số tiền 10.000 bảng đó. Chỉ một tuần sau, tài khoản của tôi tại Estonia lại nhận được số tiền ít hơn 500 bảng so với dự tính. Tôi tìm hiểu nguyên nhân và cuối cùng nhận ra mình thật ngốc", Kristo kể lại. 

Kristo nghĩ ngân hàng tại Anh sẽ áp dụng tỷ giá hối đoái ngang bằng với con số mà anh tham khảo trên các bản tin tài chính của Reuters và Bloomberg. Tuy nhiên, ngân hàng đã áp dụng tỷ giá thấp hơn 5%. Đó là cách các ngân hàng sử dụng để hưởng tiền chênh lệch khi chuyển khoản giúp khách hàng.

Để không gặp phải lỗi "ngớ ngẩn" này, Kristo quyết tâm tìm ra phương thức chuyển tiền quốc tế mới không cần sự tham gia của ngân hàng. Ban đầu, Kristo và người bạn đồng hương Taavet Hinrikus chuyển tiền qua lại cho nhau. Khi Kristo muốn đổi từ bảng Anh sang Kroons (đơn vị tiền tệ của Estonia bấy giờ) và Taavet cũng muốn đổi tiền theo hướng ngược lại, họ chỉ cần áp dụng tỷ giá hối đoái trên thị trường và tự chuyển cho nhau. 

Không lâu sau, cả hai phát triển ý tưởng này và xây dựng nên một cộng đồng gồm những người "đồng hương" đang sống tại Estonia và người Estonia sống ở nước ngoài. Năm 2011, họ thành lập TransferWise tại London (Anh), một website công nghệ tài chính cho phép người dùng chuyển tiền quốc tế với mức phí chỉ 0,5%.

Năm đầu tiên thành lập công ty, Kristo và Taavet giữ công ty phát triển bằng nguồn tiền tiết kiệm của chính họ. Những khách hàng đầu tiên tìm đến TransferWise thông qua truyền miệng của nhóm "đồng hương" trước đó. Số lượng người dùng tăng mạnh sau bài đánh giá tích cực về TransferWise đăng trên một website chuyên về công nghệ.

Kristo Kaamann (trái) và đồng sáng lập Taavet Hinrikus của TransferWise. Ảnh: BBC. 

Kristo Kaamann (trái) và đồng sáng lập Taavet Hinrikus của TransferWise. Ảnh: BBC. 

Để tránh những rắc rối liên quan đến pháp lý, Kristo và Taavet hoàn thành các thủ tục xin cấp phép hoạt động từ các cơ quan lập pháp Anh, quan trọng nhất là Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính, trước khi TransferWise ra mắt. 

"Đó là lần đầu tiên họ thấy một hình thức kinh doanh như vậy. Tuy nhiên, họ cũng nhanh chóng bị thuyết phục và không hề tỏ ra lo lắng về việc chúng tôi sẽ làm gì đó mờ ám sau lưng", Kristo nói về các thuận lợi của thủ tục hành chính. 

Đầu năm 2012, Kristo và Taavet bắt đầu tìm kiếm những nhà đầu tư đầu tiên cho công ty, nhưng dịch vụ của họ không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng.

"Chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm đến tổng cộng 15 nhà đầu tư, nhưng đều bị từ chối. Không một ai tại châu Âu có ý định chi tiền vào công ty của chúng tôi vì không hào hứng với việc đầu tư mạo hiểm. Cuối cùng chúng tôi cũng gọi được vốn từ quỹ IA Ventures tại New York, Mỹ", Kristo kể lại. 

TransferWise ngày càng phát triển và nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, trong đó có ông chủ của hãng hàng không Virgin, Richard Branson, và nhà đồng sáng lập PayPal, Max Levchin. Hiện, công ty đã kêu gọi được số tiền đầu tư lên đến 305 triệu bảng (khoảng 396 triệu USD). Website và phiên bản ứng dụng điện thoại của TransferWise có hơn 4 triệu người dùng tại 50 quốc gia và quy đổi được sang 49 đơn vị tiền tệ. Phía công ty cho biết số tiền được luân chuyển qua TransferWise đã đạt mức 3 tỷ bảng (khoảng 3,9 tỷ USD) mỗi tháng.

Đồng sáng lập Taavet Hinrikus của TransferWise (trái) và nhà đầu nổi tiếng Richard Branson (giữa). Ảnh: BBC. 

Đồng sáng lập Taavet Hinrikus của TransferWise (trái) và nhà đầu tư nổi tiếng Richard Branson (giữa). Ảnh: BBC. 

Công ty TransferWise đặt trụ sở tại Tallinn, thủ đô của Estonia, và có 8 văn phòng khác ở các thành phố lớn như Tampa Bay, Budapest và Tokyo. Doanh thu của TransferWise đã tăng 75% lên 117 triệu bảng (152 triệu USD) tính đến cuối tháng 3/2018. Mức lợi nhuận của công ty được duy trì ở 6,2 triệu bảng/năm (khoảng 8 triệu USD). Hiện công ty dịch vụ tài chính này được ước tính có giá trị hơn 1,2 tỷ bảng Anh (hơn 1,5 tỷ USD), với khoảng 1.400 nhân viên trên toàn cầu.

Kristo hiện tại là giám đốc điều hành của công ty. Anh cho biết anh và người bạn đồng sáng lập Taavet luôn đồng lòng hỗ trợ nhau trong mọi việc.

"Có rất nhiều ẩn số khi chúng tôi mới bắt đầu. Liệu có ai tin được rằng hai gã người Estonia lại có thể xây dựng lên website này? Liệu chúng tôi có thể giúp thêm được những ai hiện gặp phải những khó khăn như chúng tôi trong quá khứ? Mọi người trên thế giới đều có vấn đề tương tự, và quan trọng là họ đã tin tưởng chúng tôi", Kisto nói về thành công của TransferWise. 

Theo BBC

Nâng bước những Startup thành “kỳ lân”

Nền kinh tế số của chúng ta đã chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào 2022 và 2023. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, đổi mới công nghệ đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, cũng như làm “bàn đạp” vững chãi cho các doanh nghiệp lớn mạnh trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết vùng được xác định là ba yếu tố góp phần nâng tầm vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy tối đa lợi thế của các yếu tố này, cần khơi thông “điểm nghẽn” cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Di sản của Tổng giám đốc Sumitomo Jun Ohta

Ông chọn Việt Nam là 1 trong 4 thị trường trọng tâm và dưới sự điều hành của ông, Sumitomo đã đầu tư hàng tỷ đô vào khu vực thị trường trọng tâm.