Cần một “Đổi mới 2.0” để kinh tế Việt Nam vươn lên
Việt Nam đang hội nhập kinh tế rất sâu và mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại có thật sự giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn nữa hay không phụ thuộc vào những cải cách quy mô, tầm cỡ của chính phủ lẫn doanh nghiệp.
Trước thềm hội nhập quốc tế với các hiệp định tự do thương mại kiểu mới của thế kỷ 21 như TPP, AEC...chính phủ cần có những cải cách thể chế một cách triệt để để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nguồn nguyên liệu, hệ thống sản xuất, phân phối... trước sức ép lớn về nguồn gốc xuất xứ theo các hiệp định đã ký.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước cần phải năng động hơn trước những biến đổi khôn lường của thị trường khi các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào Việt Nam. Sau đây là ý kiến một số chuyên gia về những cải cách cần thiết để kinh tế Việt Nam đón đầu xu thế mới.
“Cải cách chỉ vì sức ép bên ngoài là thiển cận”
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Bỉ nhận xét rằng về vĩ mô, không có nhiều nước hội nhập nhanh và nhiều như Việt Nam. Việt Nam có thực lực để đối ngoại, nhưng vấn đề là Việt Nam có thực lực để hội nhập hay không. Nhiều người nói rằng ký kết các hiệp định thương mại như TPP sẽ thúc đẩy cải cách. Bà cho rằng, nếu chỉ có cải cách khi có sức ép từ bên ngoài là cách tiếp cận thiển cận và ngắn hạn. Chúng ta cần có Đổi Mới lần 2, và phải có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các doanh nghiệp để cùng cải cách xã hội.
Vấn đề hiện nay là chính phủ các nước phát triển lẫn đang phát triển phải giải thích rõ ràng các hiệp định thương mại thế hệ mới một cách đầy đủ và đồng bộ cho mọi người. Tại Mỹ và Châu Âu, nhiều người chống đối chính phủ vì đã ký kết các hiệp định thương mại. Các công nhân các nước phát triển cho rằng việc ký kết sẽ cướp đi việc làm của họ và mang sang các nước đang phát triển. Chính phủ cần giải thích rằng đây là phân công lao động, không ai cướp của ai và mỗi quốc gia sẽ có những vai trò khác nhau trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Bà còn kể lại chuyện khi bà còn công tác ở thủ đô Brussels của Bỉ, bà chứng kiến một doanh nhân Việt Nam đã bị tạm giữ theo trát của một toà án tại bang Florida, Mỹ về việc gian giận thương mại trong kinh doanh thuỷ hải sản. Điều đó chứng tỏ khi hội nhập, luật lệ thương mại sẽ liên thông giữa các nước và doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ những gì nên và không nên làm, và đây là vai trò quan trọng của các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp ở Việt Nam.
“Chúng ta mới bắt được bệnh, còn cả một quá trình chữa bệnh”
Ông ví dụ, nếu như giảm 25% lao động nôn nghiệp ở tỉnh Hải Dương thì năng suất vẫn không thay đổi. Điều đó chúng tỏ chúng ta còn rất nhiều lao động dư thừa. Ngoài ra, người nông dân một năm mùa màng bội thu, bán lúa lời tới hơn 50%, ai cũng vui vẻ hồ hởi nhưng thu nhập chỉ có khoảng 300 USD/năm thì đó là bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cần phát triển những ngành công nghiệp năng suất cao, dùng nhiều lao động để tận dụng lao động dư thừa, tăng thu nhập để giảm phân biệt giàu nghèo và xã hội phát triển bền vững. Ông cho rằng với tình hình hiện tại chúng ta vẫn chưa biết thắng thua, vì chúng ta mới bắt được “bệnh”, còn chữa được không thì là cả một quá trình.
Ông cho biết, trong thời kỳ 2007 đến 2014, Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tự do nào mới, ngành dệt may các nước suy thoái nhưng Việt Nam lại tăng trưởng. Về năng suất dệt may thì Việt Nam đứng top 3 thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Dệt may Việt Nam có giá trị và thăng dư kim ngạch lớn nhất. Đây chính là nội lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn yếu trong khâu nguyên liệu. Một công nhân may chỉ cần đầu tư 3,000 USD trên đầu người, nhưng một công nhân kéo sợi phải đầu tư khoảng 200,000 USD, một con số không nhỏ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Tổng số tiền phải đầu tư để đáp ứng yêu cầu sản xuất “Từ sợi trở đi” của TPP ước tính tiêu tốn khoản 15 tỷ USD. Gần như các doanh nghiệp Việt Nam không dám mơ đến khoản đầu tư như vậy.
Quản lý nhà nước cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp phải trả vô số chi phí quản lý công, cho dù thắt lưng buộc bụng thì chi phí công vẫn không đổi. Ông ví doanh nghiệp như chiếc xe, và hành lang pháp lý là con đường. Tuy nhiên, nếu đi trên con đường này mà chiếc xe vẫn có thể bị chặn lại bất cứ lúc nào thì chẳng bao giờ đi xa và nhanh được.
“Cần cải cách một cách chân thành”
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng Việt Nam đang hội nhập quá nhanh mà chưa có sự chuẩn bị. Từ khi trở thành thành viên WTO, chưa có nhiều cơ hội phát triển kinh tế nào cho Việt Nam vì chiến lược hội nhập kinh tế Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Khi anh chấp nhận hội nhập quốc tế thì anh phải tự do hoá trong nước trước.
Ông Thành lấy ví dụ Hàn Quốc vào những năm 80 đã có kinh tế rất vững và sẵn sàng hội nhập quốc tế. Ngành sản xuất của Hàn Quốc rất phát triển cho dù bị sự chi phối của các tập đoàn lớn (chaebol). Sau hội nhập, kinh tế Hàn Quốc vươn lên trên khủng hoảng vì có nền chính trị dân chủ. Muốn có hội nhâp tự do thì phải có sự tự do trong nước. Ngược lại, chúng ta muốn hội nhập nhưng lại sử dụng những doanh nghiệp nhà nước lớn, làm tiêu tốn nguồn lực xã hội.
Ông cho ràng nền kinh tế như con chim đang bay, phải đập hai cánh mới tiến tới được. Đó là: tự do, cải cách trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra khi thực hiện cải cách, chúng ta phải làm một cách “chân thành” chứ không chỉ để ký hiệp định, thoả mãn đối tác và khi quay về lại làm việc theo lối cũ.
Ngoài ra, sân chơi hội nhập không chỉ là sân chơi về kinh tế. Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ, tầm vóc như cải cách năm 1986. Đến nay, đất nước đã có nhiều bước tiến nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Người Nhật và Đức rất thận trọng với mậu dịch tự do vì họ công nghiệp hoá sau Anh. Giờ đây, Việt Nam khi hội nhập lại đang ở thế đã rồi nên phải bắt buộc khẩn trương cải cách để thúc đẩy thương mại.
Tuy nhiên, tinh thần của các hiệp định thương mại tự do không chỉ về giao thương qua đường biên giới mà còn ảnh hưởng rất sâu trong nội địa, trong đó vai trò của các hiệp hội rất quan trọng. Nhật đã có những hội đoàn thương mại hoạt động rất hiệu quả từ trước cả cải cách Minh Trị. Hiệp hội nào tự do, cởi mở nhất là minh bạch nhất, thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển.
Theo Bizlive