Cần dịch chuyển động lực tăng trưởng sau 'cú sốc' thuế quan Hoa Kỳ
![]() |
Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025. |
Đẩy mạnh đầu tư trong nước
Trong bối cảnh đó, dịch chuyển động lực tăng trưởng là quyết sách mà nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra. Theo đó, cần phải đẩy mạnh hơn động lực đầu tư và tiêu dùng. PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, về động lực đầu tư, nhiều khả năng đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn do chính sách thuế quan của Mỹ. Do đó, cần phải tập trung vào đầu tư trong nước, bao gồm đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Theo thống kê, hết quý I, giải ngân đầu tư công ước đạt khoảng 116,8 nghìn tỷ, tăng 19,8% cùng kỳ năm 2024. Đây được đánh giá là kết quả rất tích cực, thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành địa phương dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Mục tiêu khai thông dòng vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân vẫn đang được thực hiện mạnh mẽ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang tích cực gỡ vướng để đưa nguồn vốn vào nền kinh tế mạnh hơn. Trong đó, quyết liệt và tích cực chỉ đạo gia tăng các gói tín dụng mang lại hiệu quả cao, vào các lĩnh vực ưu tiên như gói tín dụng cho thủy sản. Gói tín dụng này đã liên tục được các ngân hàng thương mại gia tăng giá trị khi hiệu quả giải ngân đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, gói tín dụng cho vay với Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao cũng đang được xúc tiến mạnh mẽ. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, chỉ riêng hệ thống Agribank đã bảo đảm cung ứng khoảng 30.000 tỷ đồng để cho vay các thành phần tham gia thực hiện Đề án này. Tuy nhiên, NHNN không có chủ trương giới hạn con số 30.000 tỷ đồng hay một hạn mức cụ thể nào, mà sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng bảo đảm cung ứng đủ phần vốn tín dụng ưu đãi phục vụ Đề án.
Đáng chú ý là gói tín dụng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số cũng đã được các ngân hàng sớm vào cuộc sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Theo đó, NHNN xây dựng gói tín dụng khoảng 500 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng và giải phóng nguồn lực xã hội. Trong đó, nhiều ngân hàng đã thông tin sẵn sàng triển khai gói tín dụng từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước.
Bên cạnh sẵn sàng nguồn vốn cho vay các đối tượng khách hàng ưu tiên trên, các ngân hàng đang chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ rất sớm cho khách hàng chịu tác động của chính sách thuế mới của Mỹ. Với những trường hợp bị ảnh hưởng rộng, một số ngân hàng kiến nghị có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời miễn giảm lãi suất, phí để chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ
Trong bối cảnh XK hàng hóa có khả năng bị ảnh hưởng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước được tính đến như một yếu tố giúp doanh nghiệp trong giai đoạn này. Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hàng năm, Bộ Công Thương vẫn xây dựng Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia vào cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, năm 2025, Bộ đang báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét đẩy mạnh chương trình này để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo đó, Bộ dự kiến chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm nay chuyển thời điểm về giữa năm, vào khoảng tháng 6, tháng 7 và có thể có cả chương trình tổ chức dịp cuối năm như thường lệ. Bộ Công Thương xác định mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp Việt cả trong nước và XK, đồng thời xác định các chiến dịch này sẽ là “bàn tay kéo thị trường”.