Các tỉnh miền núi phía Bắc ở vị trí nào trong bảng xếp hạng PCI

Ngày 6.5, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI 2024.
4 tỉnh miền núi phía Bắc góp mặt trong top 30 bảng xếp hạng PCI 2024. Ảnh: Khánh Linh

Tại Lễ công bố, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết: “Năm 2024, báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm - ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đặc biệt, chỉ số PCI gốc - chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi - đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp”.

Quang cảnh buổi công bố kết quả PCI 2024. Ảnh: VCCI

Trong số 30 tỉnh thành có thành tích tốt nhất, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 4 cái tên góp mặt gồm Phú Thọ (xếp thứ 8), Lạng Sơn (16), Lào Cai (23) và Thái Nguyên (26).

Tỉnh Phú Thọ có thứ hạng cao nhất vùng khi về đích với số điểm 70,35, các địa phương còn lại lần lượt là Lạng Sơn (69,01), Lào Cai (68,56) và Thái Nguyên (68,13).

Theo VCCI, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và duy trì hai con số trong các năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, PCI không chỉ là một công cụ đo lường chất lượng điều hành, mà còn là nền tảng quan trọng của chương trình tăng trưởng kinh tế cao.

Danh sách 30 địa phương có thành tích xếp hạng PCI tốt nhất 2024. Ảnh: VCCI.

PCI đóng vai trò như một “radar chính sách”, giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng.

Tại Lạng Sơn, dù thứ hạng giảm 3 bậc so với năm trước (2023) nhưng theo đại diện địa phương một số điểm thành phần tăng trưởng tốt mang tín hiệu tích cực.

Theo kết quả PCI 2024, tỉnh Lạng Sơn đạt 69,01 điểm. Trong 10 chỉ số thành phần, tỉnh Lạng Sơn có 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2023 gồm: Gia nhập thị trường (tăng 0,68 điểm), Tính minh bạch (tăng 1,9 điểm), Chi phí không chính thức (tăng 0,25 điểm), Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,49 điểm).

Trao đổi với PV, ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - chia sẻ: "Trong thời gian qua, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

So với năm 2023, tỉnh Lạng Sơn giảm 3 bậc nhưng có 4 chỉ số thành phần quan trọng tăng điểm. Ảnh: Khánh Linh

Tỉnh thúc đẩy xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hiệu quả và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện nhằm tạo môi trường thuận lợi, công khai cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang quyết liệt chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn đối với một số dự án đầu tư chậm tiến độ, kéo dài để bảo đảm hiệu quả đầu tư trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương trong thời gian tới.

Cũng tại lần công bố này, một số địa phương khác trong vùng có số điểm và thứ hạng khá khiêm tốn như Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái lần lượt xếp hạng từ 32-34. Tỉnh Tuyên Quang xếp hạng 48, Hà Giang (50), Sơn La (51), Bắc Kạn (58), Hòa Bình (60) và Cao Bằng gần như "đội sổ" khi xếp hạng 61.

Theo Báo Lao Động

Khát vọng “đại bàng” kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/TW thu hút sự chú ý khi đưa ra tầm nhìn chiến lược nhằm mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quốc gia quan trọng.

Đồng Nai chuyển mình mạnh mẽ từ gian khó

Sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), nhiều huyện của tỉnh Đồng Nai đã vươn lên mạnh mẽ, từ vùng đất gian khó trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần cải thiện rõ nét chất lượng cuộc sống người dân.

Để kinh tế Việt Nam bứt phá

Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ trung bình gần 7% mỗi năm kể từ năm 1990.

Video