Bước phát triển mới với khối kinh tế tư nhân
![]() |
Khu vực KTTN hiện có hơn 940.000 DN và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Khu vực KTTN đóng góp 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 82% tổng số lao động. Nhiều DNTN phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới.
Thế nhưng theo báo cáo tại phiên họp, hiện nay nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản chưa được bảo đảm đầy đủ. KTTN còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, đất đai, tài nguyên, nhân lực chất lượng cao.
Gợi ý giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ cần “mạnh dạn, tin tưởng giao việc khó cho thành phần KTTN”; có cơ chế giao KTTN tham gia phát triển, hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, an ninh; có thể huy động, giao nhiệm vụ cho các DNTN trong tham gia các công trình trọng điểm quốc gia. Phải tin tưởng vào KTTN, tạo động lực, truyền cảm hứng cho KTTN, khuyến khích mọi người dân, DN phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ chỗ không được thừa nhận trong nền kinh tế, rồi được thừa nhận vào năm 1986 và đến nay được gợi ý định hướng “là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng”, là niềm vui, niềm tự hào của lực lượng KTTN. Chắc chắn sẽ không còn tình trạng một số cán bộ gây khó dễ, nhũng nhiễu, làm việc theo kiểu “ban phát, ban ơn” với DN. Chắc chắn các DN, doanh nhân sẽ không còn phải nặng trĩu nỗi niềm vừa vất vả làm ăn kinh doanh, vừa phải chịu đựng những sự “xin - cho” vô lý. Cùng với sự tin tưởng, khuyến khích của Đảng, Nhà nước và toàn dân, nhất định khối KTTN sẽ ngày càng hứng khởi phát triển, tạo việc làm, sinh kế, mang lại hiệu quả cho xã hội, làm giàu cho chính mình, gia đình và đất nước.