Bảo Minh về đích khi thoái vốn?
Trong số các DNNN phải thoái vốn theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, ngoài các DNNN có mức vốn hóa lớn được thị trường chờ đợi như: Habeco, Sabeco, Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, TCty Tái bảo hiểm Quốc gia VN, Cty Hạ tầng và Bất động sản VN… thì Tcty Bảo Minh được quan tâm trước hết bởi Nhà nước hiện đang nắm giữ 50% vốn điều lệ ở DN này.
[caption id="attachment_36624" align="aligncenter" width="588"]
Vậy, sau khi Nhà nước thoái vốn thì đâu là thách thức của DN này khi đối mặt với thị trường bảo hiểm ngày càng bị cạnh tranh gay gắt cũng như có đạt được những mục tiêu đề ra?
Không đạt kế hoạch đặt ra
Tcty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, việc thoái vốn tại Tcty Bảo Minh đang được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hiện nay SCIC đã và đang báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ để quyết định. Đồng thời SCIC, sẽ xem xét thời điểm thoái vốn khỏi Tcty Bảo Minh sao cho đảm bảo có kết quả tốt nhất…
Tại Đại hội cổ đông của Tcty CP Bảo Minh mới đây, ông Lê Song Lai – Phó Tổng giám đốc SCIC – thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tcty CP Bảo Minh, đại diện cho phần vốn nhà nước tại Cty này cho biết, hiện SCIC chưa ấn định cụ thể về thời điểm thoái vốn. Tuy nhiên, đối với Bảo Minh, SCIC nhận thấy Cty này có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt, bởi bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Cty bảo hiểm VN được giới hạn tối đa là 49%.
Tính đến thời điểm này, cổ đông Nhà nước đang nắm giữ hơn 42 triệu cổ phiếu tại Bảo Minh, tương đương 50,7% vốn điều lệ của Cty bảo hiểm này. Bảo Minh cũng có ba cổ đông là tổ chức nước ngoài đang nắm giữ tổng cộng trên 23 triệu cổ phiếu, tương đương 28,06% vốn điều lệ…
Theo báo cáo tài chính đã công bố, trong năm tài chính 2015 (từ tháng 1 đến tháng 12-2015) của Cty mẹ Bảo Minh đã được kiểm toán, tổng doanh thu của Tcty đạt gần 3.500 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt trên 118 tỉ đồng, tăng 8% so với năm trước đó. Theo đánh giá của các chuyên gia kiểm toán, trong năm 2015, Bảo Minh vượt kế hoạch doanh thu, nhưng chưa hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng so với thị trường còn thấp.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia kiểm toán, lợi nhuận sau thuế không đạt như mục tiêu đề ra (đạt 94% kế hoạch) và việc trích lập các khoản dự phòng nợ khó đòi (117 tỉ đồng) làm tăng chi phí dự phòng, nợ phải thu, ảnh hưởng đến lợi nhuận mục tiêu.
Trong năm 2015, Bảo Minh có tổng chi bồi thường lên tới 1.610 tỷ đồng, chiếm khoảng 51% trên doanh thu, tăng cao so với năm trước đó. Trong đó, bồi thường cháy nổ tăng 99%, gần 190 tỷ đồng. Riêng bồi thường liên quan đến vụ lộn xộn ở Bình Dương, Đồng Nai, Cty phải chi trả bồi thường tổng cộng 137 tỉ đồng.
“Nhường ngôi” cho các hãng bảo hiểm ?
Báo cáo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho thấy, 6 tháng năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm từ thị trường phi nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số, tăng 15,3%, đạt 17.623 tỷ đồng. Về thị phần thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm PVI tiếp tục dẫn đầu với doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3.611 tỷ đồng, chiếm 20,5% thị phần. Vị trí thứ 2 thuộc về bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 2.970 tỷ đồng, chiếm 16,9% thị phần…
Bảo Minh sau một thời gian dài đứng ở vị trí thứ 3 đã rớt xuống vị trí thứ 4, DN vừa thế chỗ là Bảo hiểm PTI với doanh thu ước đạt 1.469 tỷ đồng, chiếm 8,3% thị phần. Bảo Minh đứng ở vị trí thứ tư với doanh thu ước đạt 1.392 tỷ đồng, chiếm 7,9% thị phần, PJICO đứng thứ 5 với doanh thu ước đạt 1.183 tỷ, chiếm 6,7% thị phần… Như vậy có thể thấy, thị trường bảo hiểm ngày càng cạnh tranh khốc liệt nếu không có những sách lược mới trong kinh doanh, Bảo Minh sẽ ngày càng bị tụt hậu trong bối cảnh thị trường bảo hiểm ngày càng có nhiều DN tham gia…
Trước thực tế này, tại Đại hội cổ đông năm 2016, HĐQT Tcty Bảo Minh đã đặt mục tiêu doanh thu 3.590 tỷ đồng, tăng trưởng 7%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc 3.020 tỷ đồng, doanh thu nhận tái bảo hiểm 360 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 210 tỷ đồng…
Theo lộ trình thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn thặng dư phát hành, vốn điều lệ của Bảo Minh sẽ đạt 913 tỉ đồng trong năm 2016 và dự kiến đạt 1.100 tỉ đồng đến năm 2020. Trong báo cáo trình tại đại hội đồng cổ đông, Bảo Minh dẫn thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm VN cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường VN năm 2015 đạt 70.190 tỉ đồng, tăng 25,75% so với năm 2014 – mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2015. Dự kiến mức tăng trưởng của bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2016 đạt trung bình 15%.
Thách thức sau thoái vốn
Theo các chuyên gia, năm 2016 nền kinh tế nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành bảo hiểm. Việc tuân thủ các cam kết khi gia nhập các tổ chức thương mại thế giới sẽ làm mất các lợi thế được nhà nước bảo hộ của các Cty bảo hiểm VN. Do đó tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực bảo hiểm thời gian tới sẽ gay gắt hơn, nhất là cạnh tranh với các Cty bảo hiểm nước ngoài.
Cũng như hầu hết các DN bảo hiểm khác, Bảo Minh cũng phải đối mặt với thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về bảo hiểm do việc phát triển nhanh của ngành thời gian qua. Trong thời gian tới, khó khăn này càng lớn hơn khi nhiều DN bảo hiểm mới ra đời, đặc biệt là các DN bảo hiểm nước ngoài, với chế độ lương bổng và điều kiện thăng tiến hấp dẫn sẽ tạo nguy cơ thu hút nhân lực có kinh nghiệm từ các Cty bảo hiểm trong nước.
Khi Nhà nước thóai vốn, Bảo Minh sẽ phải chịu những áp lực nặng nề về việc phải đáp ứng các kỳ vọng của cổ đông khi chuyển qua hình thức DN cổ phần, nhất là đối với DN niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đòi hỏi sự công khai và minh bạch…
Bên cạnh đó, so với các DN khác trong cùng ngành thị trường bảo hiểm phi nhân thọ VN hiện có gần 20 Cty thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đang hoạt động. Dẫn đầu thị trường và nắm giữ khoảng 60% thị phần chủ yếu vẫn là Bảo Việt, Bảo Minh nằm ở vị trí thứ 4. Tỷ trọng thị phần còn lại do các DN cổ phần khác và các cty có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ.
Theo ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương (CIEM), chủ trương thoái vốn hoàn toàn đúng, đây là cơ hội tốt cho các DN tự đi bằng chân của mình. Với các DN , đây là cơ hội ngàn vàng để họ thực hiện quản lý theo kinh tế thị trường. Tuy nhiên, với lãnh đạo các DNNN, đây là sự đổi đời kinh khủng vì sau thoái vốn họ sẽ phải tự bươn chải, không còn ưu đãi về chính sách… Bảo Minh cũng không là trường hợp ngoại lệ.
Không lỗ như các DNNN khác sau khi thoái vốn, thậm chí Bảo Minh là một Cty làm ăn hiệu quả, báo cáo tài chính tốt chắc chắn có lợi cho việc kêu gọi đầu tư nước ngoài hơn là các DNNN khác… Tuy nhiên, với thị phần ngày càng thụt lùi đòi hỏi Bảo Minh phải có chiến lược dài hơi, khác biệt mới đủ sức bật sau khi Nhà nước thoái vốn, chuyên gia kiểm toán Nguyễn Hữu Hải, bình luận…
Theo Phương Hà (Enternews)