Bán khách sạn Daewoo chớp nhoáng, Hanel còn gì hấp dẫn?
Đúng 4 năm trước đây, Hanel đã từng gây xôn xao dư luận khi quyết định mua lại 70% vốn cổ phần khách sạn Daewoo từ phía đối tác Hàn Quốc và trở thành công ty mẹ nắm giữ 100% khách sạn nổi tiếng này...
Vào ngày 14/4 tới đây, Công ty TNHH MTV Hanel sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Theo đó, hơn 19,1 triệu cổ phần, tương đương 9,94% vốn điều lệ công ty, sẽ được bán đấu giá công khai cho công chúng với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.
Đúng 4 năm trước đây, Hanel đã từng gây xôn xao dư luận khi quyết định mua lại 70% vốn cổ phần khách sạn Daewoo từ phía đối tác Hàn Quốc và trở thành công ty mẹ nắm giữ 100% khách sạn nổi tiếng này.
Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng được đồn đoán không dưới 70 triệu USD, được coi là “thương vụ của năm” trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A).
Từ đó đến nay, người ta vẫn đinh ninh "ông lớn" ngành điện tử đang nắm trong tay toàn bộ cổ phần khách sạn năm sao nổi tiếng Thủ đô này.
Tuy nhiên, mọi việc "vỡ lở" khi công ty chuẩn bị cho IPO và báo cáo tài chính của công ty được công bố rộng rãi. Hóa ra, ngay sau khi mua lại thì toàn bộ số cổ phần này được chuyển nhượng lại toàn bộ cho một bên thứ ba là CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và CTCP Đầu tư Hợp Thành 1.
Hanel không công bố cụ thể lợi nhuận từ thương vụ mua bán cổ phần này. Tuy nhiên bên mua có khoản hỗ trợ giá quyền lợi, lợi thế chuyển giao không bồi hoàn 5 triệu USD, tương đương 104,3 tỷ đồng cho Hanel theo hợp đồng mua bán phần vốn góp có điều kiện. Hanel hiện vẫn giữ nguyên 30% cổ phần ban đầu với giá vốn đầu tư là 152 tỷ đồng.
Qũy đất "khủng"
Mặc dù không còn sở hữu 100% khách sạn Daewoo, nhưng sức hấp dẫn của Hanel không vì thế mà giảm nhiều sức hút bởi doanh nghiệp này còn sở hữu một quỹ đất khủng ở Thủ đô, tập trung chủ yếu ở Long Biên và Gia Lâm. Đây được đánh giá là khu vực có tốc độ phát triển hạ tầng, giao thông khá cao, sẽ rất phát triển trong tương lai gần.
Cụ thể, khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, có tổng diện tích hơn 43ha với tổng vốn đầu tư lên đến 620 triệu USD.
Cũng tại quận Long Biên, Hanel có dự án khu đô thị Hanel – Alphanam rộng 53,5ha do Hanel hợp tác với CTCP Đầu tư Alphanam để triển khai. Đơn vị liên doanh hợp tác giữa 2 bên để phát triển dự án có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, trong đó Hanel góp 20% bằng tiền Alphanam cho vay. Dự án có tổng mức đầu tư 2.438 tỷ đồng và đang xin chấp thuận chỉ định nhà đầu tư.
Trong khi đó, dự án xây dựng điểm thông quan nội địa Hà Nội tại Cổ Bi, quận Long Biên của Hanel có diện tích 19ha với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Hanel cũng đang là chủ đầu tư khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên, với tổng diện tích 24,2ha và hiện có 20 doanh nghiệp thuê đất làm nhà xưởng.
Tại huyện Gia Lâm, Hanel tham gia đầu tư Khu đô thị Khoa học, công nghệ, tài chính Hanel - Tân Tạo rộng 270ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại khu vực Phạm Hùng, Hanel đang nắm quyền sử dụng lô đất rộng 4.188m2, hiện đang xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã đóng 70% tiền sử dụng đất và chưa có quyết định giao đất. Hanel cho biết, dự kiến sẽ xây dựng tại đây một tòa tháp 45 tầng với tổng mức đầu tư lên tới 1.666 tỷ đồng.
Tại quận Hoàng Mai, Hanel có khu đất rộng 6.163 m2 với phần diện tích xây dựng công trình vào khoảng 2.700m2, diện tích còn lại là vườn, trồng cây xanh và đường nội bộ thuê 50 năm.
Đây là tổ hợp nhà ở kết hợp dịch vụ, văn phòng mà Hanel liên doanh với HUD3. Dự án cao 21 tầng nổi, 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 58.000m2. Trong đó, diện tích sàn nhà trẻ 330m2, sàn căn hộ 35.529m2 với 256 căn hộ. Ngoài ra là các khu sinh hoạt cộng đồng, thương mại và văn phòng cho thuê.
Tại số 409, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hanel có khu đất rộng 4.285 m2 với mục đích xây dựng khu nhà ở kết hợp văn phòng và dịch vụ. Tuy nhiên, hiện dự án đang dừng triển khai và chờ kết luận thanh tra của Thành phố Hà Nội.
Tỷ lệ vốn nhà nước khá thấp
Theo phương án cổ phần hóa được thông qua hồi tháng 10/2015, Hanel sẽ có vốn điều lệ 1.926 tỷ đồng, trong đó, cổ phần Nhà nước 558,54 tỷ đồng, chiếm 29% vốn điều lệ; cổ phần bán cho các nhà đầu tư chiến lược là 1.174, 86 tỷ đồng, chiếm 61% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai 191,348 tỷ đồng, chiếm 9,94% vốn điều lệ, còn lại là bán cho người lao động.
Như vậy, có thể nói, so với nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã và đang chuẩn bị IPO trong thời gian gần đây, thì cổ phần Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa của Hanel được coi là tương đối thấp. Có thể kể đến một số cái tên như Tổng công ty 36 (IPO ngày 14/4) có vốn nhà nước tới 40% sau cổ phần hóa, tại TCT Lâm Nghiệp Việt Nam- Vinafor (IPO ngày 21/4) là 51%, Công ty TNHH Một thành viên Dệt may Gia Định (GIDITEXCO) (IPO ngày 18/3) là 49%, tại công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) (IPO ngày 7/3) là 65%.
Về đối tác chiến lược, Hanel đã chọn được 2 đối tác là CTCP Công nghệ Tiến Việt và Công ty Sebrina Holdings Ltd đến từ Singapore. Theo đó, Công nghệ Tiến Việt sẽ mua hơn 69,3 triệu cổ phần, tương đương 36% vốn điều lệ trong khi Sebrina Holdings Ltd sẽ nắm 25% vốn công ty, tương đương 48,15 triệu cổ phần.
Đây được đánh giá là điểm cộng cho Hanel. Với sự tham gia nhiều hơn từ đối tác bên ngoài, đặc biệt là một tập đoàn lớn, nhiều kinh nghiệm như Sebrina Holdings Ltd, Hanel được kỳ vọng sẽ được thổi vào một "làn gió mới", bao gồm cả quản trị và chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.
Theo Bizlive