“Sức mạnh kinh tế Việt Nam trong tay mỗi người dân Việt”
Hội ngộ với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) để cùng chia sẻ những ý kiến về đề tài kinh tế tư nhân đang nóng trên nhiều diễn dàn kinh tế cũng như những bước đi thận trọng, chắc chắn và phù hợp để công ty sẽ gặt hái thành công từ thị trường nước ngoài trong tương lai không xa.
Chất xám từ kinh tế tư nhân
Khẳng định tầm quan trọng của “kinh tế tư nhân” khi được vận dụng đúng sẽ khiến nền kinh tế nước nhà nhanh chóng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, ông Hải thẳng thắn bày tỏ: “Không còn nghi ngờ gì nữa, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam nằm trong tay mỗi người dân Việt, nó được gọi là kinh tế tư nhân”. Với ông, hai câu thơ của Hồ Chủ tịch:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong
cần được vận dụng trong mọi lĩnh vực bao gồm cả lĩnh vực kinh tế. Tư tưởng trên đã chỉ rõ sức mạnh của một quốc gia, một dân tộc tiềm ẩn trong mỗi người dân. Chúng ta đã và nhất định sẽ thành công trong phát triển kinh tế khi phát huy tối đa sức dân trong lĩnh vực kinh tế này.
Quản lý kinh tế, cái “lý” của kinh tế đang nằm ở chỗ người dân mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên trong Hội nghị TW 5 là “Kinh tế tư nhân”. Đã là cái “lý” thì đó là qui luật, là biện chứng, là bất biến. Nó mãi mãi đúng và không ai có thể cưỡng lại được. Thế nhưng quả không sai khi còn nhiều ý kiến cho rằng khi thuật ngữ “kinh tế tư nhân” còn tồn tại, điều đó chứng tỏ rằng ranh giới và sự phân biệt đối xử giữa hai thành phần kinh tế: Tư nhân và Nhà nước vẫn còn hiện hữu. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực không chỉ về vai trò động lực mà cả các chính sách cụ thể mở đường cho cộng đồng doanh nghiệp Việt phát triển.
Việc xác định đúng vai trò kinh tế tư nhân để Đảng, Nhà nước có cơ chế chính sách quản lý phù hợp là hết sức cần thiết. Minh chứng như việc ra đời Nghị quyết số: 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020” chính là bước đầu tiên của cuộc cách mạng giải phóng nguồn lực đất nước. Hiện nay, kinh tế tư nhân đang có khả năng thu hút rất tốt ngưồn lực trí thức Việt kiều đầu tư vốn và chuyển giao công nghệ về nước. Nói đến phát triển kinh tế tư nhân cũng không thể không kể đến kinh tế tri thức. Ở đó, sản phẩm và dịch vụ của nó đòi hỏi phải có chứa hàm lượng chất xám cao và tư liệu sản xuất chính là “chất xám”, một loại nguyên liệu sản xuất mang đặc trưng của sở hữu tư nhân. Với qui luật ông cha ta đã đúc kết “Đồng tiền liền khúc ruột”, doanh nghiệp tư nhân mới có đủ sự tận tâm, tận lực và năng động sáng tạo để đảm bảo năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Khi đó nền kinh tế Việt Nam mới thật sự vững mạnh điển hình như: Vinamilk, FPT, Tôn Hoa Sen, VietjetAir…
Tư duy lãnh đạo cốt lõi
Là người đã từng trải qua nhiều thời kì kinh tế của đất nước từ khi mới mở cửa cho đến thời kì hội nhập hiện nay, câu chuyện khởi nghiệp ở hai cột mốc trước kia và bây giờ của DN tư nhân được ông Hải phân tích khá thú vị. Theo ông, hai cột mốc được đề cập ở trên cách nhau 30 năm: khi kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa và hiện nay đã hội nhập khá sâu rộng trong khu vực và thế giới. Câu chuyện khởi nghiệp của hai thời kỳ về cơ bản là khác nhau.
Thời mới mở cửa thì hầu hết bước đường khởi nghiệp còn nhiều manh mún, phần lớn chủ doanh nghiệp phải tự thân vận động, tận dụng khả năng nhạy bén với thị trường để sống còn. Nhưng họ chịu nhiều thiệt thòi bởi nền tảng trình độ khá thấp, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nhà nước qui mô lớn có nhiều ưu đãi. So với hiện nay, những doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp được Nhà nước khuyến khích hỗ trợ về nhiều mặt và được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay với nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi người khởi nghiệp không chỉ có kiến thức, trình độ chuyên môn, sự nhạy bén trong kinh doanh mà còn phải hết sức bản lĩnh với một nỗ lực vượt bậc để có thể thành công trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Mỗi bối cảnh đều đỏi hỏi bản thân những người lãnh đạo doanh nghiệp phải nâng tầm tư duy để có những bước đi thật mạnh mẽ tạo dựng thương hiệu. Bởi sân chơi này không chỉ giới hạn cho “con dân Việt” và cũng bởi khát vọng vươn mình ra biển lớn mới là tầm nhìn mà chúng ta đang nhắm đến. Với những mong mỏi lẫn tham vọng ấy không chỉ tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt mà còn tạo nên tác động tích cực giúp động viên, khai mở năng lực và làm bật dậy tất cả tính năng động của các nhà lãnh đạo, nhà quản trị, của những người đang chất chứa ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, sẵn sàng gia nhập vào đội ngũ tiên phong, biến Việt Nam thật sự trở thành nơi “đất lành chim đậu”, hội ngộ anh tài cho một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đầy quả cảm.
Từ một công ty cổ phần tư nhân quy mô nhỏ, HBC đã vươn lên khẳng định được vị thế vững chắc của mình là nhà thầu tổng hợp hàng đầu của Việt Nam, một công ty đại chúng được đông đảo nhà đầu tư quan tâm. Năm 2016 chứng kiến kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, nguyên nhân cốt lõi là nhờ HBC đã luôn kiên trì, nỗ lực hoàn thiện mọi mặt bao gồm văn hoá doanh nghiệp, hệ thống quản trị theo chuẩn mực quốc tếnhằm xác lập vị thế của mình trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Sự hoàn thiện ấy dựa trên nền tảng của những giá trị được trải nghiệm qua nhiều biến cố của thị trường, những thăng trầm cùng năm tháng, nhưng HBC vẫn luôn vững vàng phát triển mạnh mẽ và đã viết nên một Tuyên ngôn giá trị bao gồm: Hoài bão, Sứ mệnh, Triết lý kinh doanh và những giá trị cốt lõi. Tuyên ngôn này phản ảnh khá đầy đủ văn hoá doanh nghiệp của Hoà Bình.
“Là một kiến trúc sư, tôi cho rằng việc xây dựng một doanh nghiệp cũng như xây một tòa nhà. Để có tòa nhà vững bền thì trước hết phải xây dựng một nền móng vững chắc. Nền móng của doanh nghiệp chính là văn hoá doanh nghiệp” - Ông Hải nhấn mạnh như một lời khuyên chân thành tới những doanh nghiệp trẻ và những người đang nung nấu ý định khởi nghiệp phải đem hết tâm huyết xây dựng một văn hoá doanh nghiệp tốt đẹp nếu muốn thực hiện thành công hoài bão kinh doanh của mình.
Nguyễn Ngân