“Đòn bẩy” nâng cao nhận thức về pháp luật lao động

Chiến dịch thanh tra lao động 2015 trong ngành may mặc với sự tham gia của đối tác 3 bên là Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn Lao động VN và VCCI vừa họp tổng kết nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm hướng tới việc thanh tra lao động trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

[caption id="attachment_8310" align="aligncenter" width="700"]Phân xưởng cắt – Cty may Hồ Gươm Phân xưởng cắt – Cty may Hồ Gươm[/caption]

Kết quả chiến dịch cho thấy, hầu hết các DN đều không tuân thủ hoặc tuân thủ còn hạn chế các quy định của pháp luật về chính sách lao động, tiền lương và ATVSLĐ… Nguyên nhân không chỉ đơn thuần là từ người sử dụng lao động, người lao động mà có cả nguyên nhân từ cơ chế chính sách pháp luật, quản lý của cơ quan nhà nước.

Ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt

Theo nhận định của đoàn thanh tra, nhiều DN chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về chính sách lao động, tiền lương và an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện. Điều đáng nói là ngay bản thân người sử dụng lao động cũng chưa có ý thức chấp hành pháp luật. Tuy DN nắm được các quy định của pháp luật về lao động nhưng để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, DN cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật để hạn chế tối đa các chi phí.

Trong khi đó, nhận thức của người lao động về các quy định của pháp luật còn hạn chế: Người lao động không biết hoặc không nắm đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, do đó người lao động không thể đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật hoặc người lao động biết các quy định của pháp luật nhưng đồng ý thỏa thuận với người sử dụng lao động không thực hiện để được làm việc tại doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các công nhân may, do trình độ văn hóa còn thấp nên phần lớn công nhân không biết được những quyền lợi pháp luật lao động quy định.

Chính sách pháp luật còn nhiều lỗ hổng

Theo kết luận của thanh tra Bộ LĐTBXH, một số nội dung của pháp luật lao động chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, kịp thời, dẫn đến DN không biết hoặc biết nhưng khó thực hiện đúng các quy định pháp luật. Ví dụ như việc quy định đối tượng thuộc nhóm 3 (người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động) phải có chứng chỉ huấn luyện do đơn vị dịch vụ huấn luyện cấp. Như vậy, DN không được tự huấn luyện cho người lao động thuộc nhóm này. Điều này gây khó khăn cho DN vì trong thực tế nhiều công việc liên quan đến đặc thù công nghệ thì chỉ chuyên gia kỹ thuật trong ngành mới nắm vững kỹ thuật vận hành an toàn. Tuy nhiên, theo quy định, DN phải hợp đồng với tổ chức dịch vụ huấn luyện, trong khi tổ chức dịch vụ huấn luyện tại địa phương không có hoặc có nhưng không có đủ chuyên gia có trình độ phù hợp với yêu cầu.

Ngoài ra, các nội dung liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại doanh nghiệp liên quan đến sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau, thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý khác nhau (Bộ luật Lao động, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, …); một số tài liệu khó tìm kiếm, áp dụng (các tiều chuẩn an toàn hiện hành về cơ khí, về điện).

Với các cơ quan quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về pháp luật lao động còn hạn chế dẫn đến tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không nắm được hoặc nắm không đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động còn hạn chế (lực lượng thanh tra ít trong khi số doanh nghiệp lớn), vì vậy nhiều DN vi phạm nhưng không bị xử lý dẫn đến vi phạm kéo dài và ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Giải pháp nào?

Trong bối cảnh đó, để việc thực hiện các chính sách lao động được nề nếp, quy củ hơn… Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về lao động để doanh nghiệp và người lao động nắm được, tránh tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không biết các quy định để thực hiện. Phối hợp tốt nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Ben cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm của DN góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và bảo vệ quyền lợi người lao động. Ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012 đảm bảo đầy đủ và phù hợp với thực tế.

Trong khi đó, đối với các DN, cần bố trí cán bộ chuyên môn tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, hội thảo để hiểu đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật làm cơ sở tham mưu cho Giám đốc doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp để vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động và tuân thủ các quy định về pháp luật lao động cho người lao động như thời giờ làm việc, nghỉ hàng năm, làm thêm giờ, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động…

Theo DĐDN

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video