"Cải cách và Đổi mới" – Kiến tạo nên cuộc hội nhập thành công
Mạnh dạn tiên phong, bản lĩnh trên thương trường và tâm huyết với những sứ mệnh đã đề ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IMEX PAN PACIFIC (IPP) đã có những chia sẻ thẳng thắn với nhóm phóng viên của ĐS. Đầu tư & Thương hiệu về kiến nghị cũng như kế hoạch phát triển doanh nghiệp (DN) nhân dịp Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc gặp gỡ trực tiếp với hàng trăm doanh nhân tại TP.HCM vừa qua.
ĐT&TH: Thưa ông, nhiều kỳ vọng đang được đặt ra trước các cơ hội mới cũng như về một bộ máy quản lý nhà nước mới đang đảm đương vai trò đưa đất nước hội nhập sâu rộng; đặc biệt là những thông điệp mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới cộng đồng doanh nghiệp. Ông có suy nghĩ và cảm xúc gì vào lúc này?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Đối với Việt Nam, 2016 là năm bắt đầu cuộc hội nhập toàn diện và triệt để với một niềm vui về một bước chuyển mình nội tại khi chúng ta vừa chính thức có có bộ máy lãnh đạo cấp cao mới. Với việc Việt Nam kiện toàn được bộ máy nhân sự cấp cao này thì không chỉ có tôi mà nhân dân, các cử tri, các doanh nghiệp cũng rất phấn khởi để chờ đón những “cải cách tức thì, hợp với thực tiễn” và “điều hành quyết liệt với tư duy đổi mới” của Chính phủ. Tôi tin rằng những chương trình gặp mặt để lắng nghe phản ánh của tân Thủ tướng như tại chương trình “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” vừa qua là một bước đi sáng suốt và chứng tỏ Chính phủ rất xem trọng cũng như quan tâm sâu sắc đến “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Dưới góc độ là một người điều hành doanh nghiệp lớn như IPP, bản thân ông hiện đang có những trăn trở gì cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo động lực để IPP nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung vươn ra biển lớn?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Khi đánh giá về chỉ số thuận lợi kinh doanh của một quốc gia, DN thường quan tâm đến tiêu chí thời gian khởi nghiệp, các thủ tục cấp phép và đặc biệt là chính sách về thuế. Với những cải cách quyết liệt thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư và thuế. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn rất nhiều những vấn đề bất cập còn tồn đọng cần phải giải quyết.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ngoài việc tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi thì chúng ta cũng cần phải có những chính sách để hỗ trợ và bảo vệ những doanh nghiệp Việt đang làm ăn chân chính, nộp thuế đầy đủ làm tròn trách nhiệm với nhà nước ngay trên sân nhà của mình trước khi quá muộn. Đồng thời làm trong sạch môi trường kinh doanh tại Việt Nam để các tập đoàn lớn, các thương hiệu lớn yên tâm đổ vốn vào đầu tư.
Một ví dụ điển hình mà chính tôi dù được mọi người ưu ái đặt cho là “vua hàng hiệu” cũng không khỏi đau đầu với các thiệt hại hàng ngày khi những mặt hàng chúng tôi nhập khẩu chính hãng đang phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh và áp lực khi đang phải đơn phương độc mã tự tìm giải pháp để sống còn. Bản thân hàng chính hãng hợp pháp nhập vào Việt Nam phải chịu 20 - 25% thuế nhập khẩu và 10% thuế GTGT cùng nhiều chi phí bảo vệ thương hiệu khác. Trong khi đó nhiều cửa hàng tại Việt Nam và các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, tình trạng hàng hiệu không hóa đơn đã tồn tại nhiều năm qua. Họ bán với mức giá rẻ hơn 20 - 30% so với hàng chính hãng. Ngay cả những quy định về áp dụng buộc phải xuất hóa đơn đầu ra đầy đủ cũng bị cho qua. Khi người mua yêu cầu hóa đơn VAT chỉ nhận được những câu từ chối nhã nhặn hoặc vô số cuộc hẹn không hồi kết vì không phải cửa hàng nào cũng sẵn lòng xuất hóa đơn cho khách. Cũng chính vì điều này, các nhà kinh doanh hàng hiệu đàng hoàng đang khốn khổ vì cạnh tranh không lành mạnh.
Các thương hiệu lớn sau nhiều lần trao đổi cũng đã tỏ ra ngại ngần khi giao thêm cho chúng tôi phân phối các nhãn hiệu đẳng cấp thế giới, dè dặt bước hẳn vào Việt Nam để đầu tư sản xuất kinh doanh. Một trong những lý do hàng đầu là vì họ đang chờ sự quyết liệt hơn nữa từ phía Việt Nam về việc đánh bật hàng hiệu gian lận, hàng hiệu giả và làm trong sạch môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn chịu nhiều áp lực về việc xử lý khủng hoảng truyền thông khi mà hiện nay nhiều thông tin không chính xác hoặc chưa được xác minh cụ thể vẫn được các kênh truyền thông cho đăng tải tràn lan để câu view. So với lợi nhuận về quảng cáo, các chế tài xử phạt hành chính vi phạm vẫn còn nhẹ nên dường như chưa đủ sức ảnh hưởng.
Trực tiếp niếm trải những điều ấy, tôi chân thành kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh hình thức quản lý đối với các cá nhân và đơn vị khi cố tình có hành vi đăng tải các thông tin chưa được xác minh rõ ràng. Chính sự công tâm và chuyên nghiệp của những nhà báo có kinh nghiệm cũng sẽ góp phần giúp cho các doanh nghiệp chân chính và các nhà đầu tư an tâm trong sản xuất kinh doanh của mình.
Việt Nam tham gia TPP sẽ thúc đẩy làn sóng M&A trong giai đoạn tới, gián tiếp gia tăng nguồn vốn đầu tư vào kinh tế nội địa. Dưới góc độ là một tập đoàn kinh doanh đa ngành, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào để vừa thu hút đầu tư vừa giữ vững thương hiệu đã quen thuộc với người dân Việt?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn:
Phải nhận định rằng làn sóng M&A tại Việt Nam đang gia tăng, các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước gia tăng đáng kể nhất là sau TPP và AEC. Thế nhưng trước khi đặt vấn đề về việc tiếp nhận nguồn vốn từ M&A chúng ta cũng cần lưu ý việc bảo vệ thương hiệu và giá trị tài sản hữu hình cũng như vô hình của doanh nghiệp trong nước trên bàn đàm phán sát nhập với các đối tác khác. Nhìn từ góc độ quản trị thương hiệu đối với hoạt động M&A ở Việt Nam, có thể thấy hoạt động này được xúc tiến dưới ba nguyên nhân: một DN làm ăn tốt được DN khác góp vốn để cùng khai thác lợi thế thương hiệu; một DN yếu kém bị thương hiệu mạnh hơn mua lại để sử dụng cơ sở hạ tầng và các quan hệ khách hàng sẵn có hay một DN bị thâu tóm và xóa sổ hoàn toàn. Thông thường tại nước ta hầu như lợi thế nghiêng về phía bên mua, còn bên bán là các DN Việt đều bị lép vế, khó tránh khỏi bị xóa sổ sau đó.
Chính chủ trương chính sách của nhà nước sẽ đóng vai trò là chiếc khiên bảo vệ vòng ngoài vững chắc, mở trói cho thương hiệu Việt trước các cuộc đàm phán M&A. Bài toán tỷ lệ trong mỗi thương vụ nên được nhìn nhận sâu sắc hơn chứ không chỉ đơn giản là đón dòng vốn ngoại vào. Điều này cũng là mong mỏi chung của rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hiện nay.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan ban ngành kinh tế, theo ông cần phải có giải pháp kết nối liên hoàn gì để sớm giành thế chủ động?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn:
Nhà nước cần phải bơm nhiều “liều thuốc bổ mới” vào để các công ty có thể sống, vươn ra biển lớn. Đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm năng của Việt Nam đều phải đi vay vốn, thậm chí có trường hợp vay đến hơn 90% nguồn vốn tự có. Nếu thời điểm kinh doanh không thuận lợi cộng với lãi suất ngân hàng cao thì việc các doanh nghiệp sụp đổ hoặc bán mình trong M&A là hoàn toàn có thể hiểu được. Thật tình, bản thân IPP nếu không có điểm tựa tài chính từ phía công ty mẹ, với lợi nhuận chỉ 3-4% mà đi vay lãi suất ngân hàng 9-10% cũng sẽ khó đương đầu nổi.
Nhìn lại các quốc gia khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc, lãi suất chỉ nằm ở khoảng 1% trong thời gian nhất định. Tính riêng trong năm 2015, Việt Nam đã có gần 81.000 doanh nghiệp bị giải thể hay gặp khó khăn nên phải tạm ngừng hoạt động. Đây là một con số rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của cả nước, vì thế rất mong là Nhà nước sớm có sự điều chỉnh lãi suất ngân hàng, chính sách tiền tệ để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Như trước đây ông đã từng chia sẻ, một trong những bí quyết thành công của IPP là cách "dụng nhân". Liệu đây có phải là thời điểm để chúng ta cần phải gia tăng bồi dưỡng chất xám, giữ chân nhân tài trong quản trị doanh nghiệp nhằm vượt thách thức?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn:
IPP với 30 năm hiện diện tại thị trường Việt Nam, các đối tác đều biết đến chúng tôi là một tập thể đoàn kết. Có những nhân viên của chúng tôi đã gắn bó từ những ngày đầu thành lập, kể cả lãnh đạo cao cấp cho đến các nhân viên bình thường bởi sự gắn bó và tâm huyết với nhau.
Nhiều người vẫn cho rằng tôi là Việt kiều về nước phát triển kinh doanh nhưng với tâm huyết và bao thăng trầm chúng tôi - IPP - cùng nhau trải qua thì chúng tôi luôn tự ý thức mình là một doanh nghiệp Việt. Làm thế nào để khơi dậy lòng yêu nghề, lòng tự trọng dân tộc đó cũng chính là những gì thuộc về văn hóa doanh nghiệp chúng tôi xây dựng suốt bao năm qua. Để những nhân tài thấu hiểu và khi cái tâm vượt lên trên sức mạnh của đồng tiền cũng chính là bài học về “dụng nhân trong văn hóa doanh nghiệp” mà tôi đã xác định từ lâu. Chính việc gia tăng nồng độ văn hóa ấy đã tạo nên sự trung thành của các nhân viên IPP mà tôi rất tự hào.
Chấp nhận mạo hiểm, dám đánh đổi nhiều thứ để mở đường bay quan trọng TP.HCM – Manila, tạo thêm lối ra với thế giới cho đất nước từ 30 năm trước, đến nay thì ông vẫn tiếp tục duyên nghiệp với ngành hàng không khi mở rộng đầu tư. Xin ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch này ?
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn:
Có cơ duyên làm việc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam 30 năm về trước đã giúp cho tôi nắm bắt, thấu hiểu nhu cầu giao thương thực tế và thời cơ chín muồi để xúc tiến việc hoạt động mở đường bay đi Manila vào thời kỳ cấm vận năm xưa. Đến nay, bản thân tôi vẫn còn nhiều tâm huyết muốn đóng góp cho sự phát triển chung của hàng không và du lịch khi đường hàng không vẫn chính là phương tiện giao thông cực kỳ quan trọng kết nối hoạt động kinh doanh lẫn giao lưu văn hóa du lịch.
Gần đây, chúng tôi đã đầu tư và là đối tác chiến lược của Công ty CP Dịch vụ kàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) với mong muốn cùng với các sân bay cải thiện và nâng cấp hơn nữa môi trường kinh doanh tại các nhà ga. Bên cạnh đó, IPP cũng đang cung cấp các dịch vụ kinh doanh tại các sân bay lớn như Manila, Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Đà Nẵng, Cam Ranh. Công ty hiện còn là đối tác chiến lược của tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế và F&B lớn nhất thế giới: DFS và Autogrill. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng không chỉ là với SASCO mà xa hơn nữa là trở thành đối tác chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), IPP sẽ gắn bó lâu dài cũng như hỗ trợ khai thác các cảng hàng không trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kích cầu mua sắm của du khách khi đến với Việt Nam.
Bản thân tôi cũng vừa được HĐQT thông qua để đảm nhận vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh nên đây thật sự vừa là thách thức vừa là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến. Chúng tôi mong muốn sẽ cùng song hành với sự phát triển và nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các sân bay và trước mắt nhanh chóng giúp cho nhà ga sân bay quốc tế mới ở Cam Ranh và Đà Nẵng đạt chuẩn dịch vụ từ 4 đến 5 sao và sớm đi vào hoạt động.
Theo sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng dự kiến sẽ khai trương trước tháng 6/2017 trong khi nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh sẽ hoàn thành trong 2 năm, dự kiến khánh thành vào tháng 6/2018. Đây là những dự án tầm cỡ quốc gia, có giá trị định vị thương hiệu cho ngành hàng không Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế mà chúng tôi với các đối tác cùng những đơn vị chủ quản đang ráo riết triển khai theo đúng lược đồ xây dựng.
Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Long Thành theo nhận định của tôi cũng cần phải gấp rút xúc tiến để nhanh chóng có thể đi vào hoạt động, thay thế cho sân bay Tân Sơn Nhất vốn đang bị nhiều hạn chế về quy mô, áp lực giờ cao điểm, hạn chế chuyến bay cũng như chất lượng dịch vụ. Với uy tín và kinh nghiệm của IPP, cùng với sự ủng hộ của nhiều đối tác, nhà đầu tư, chúng tôi sẽ cùng vận dụng hết khả năng để sớm đem lại kết quả mỹ mãn nhất cho ngành hàng không vì bước tiến chung cho Việt Nam phát triển vượt bậc.
Chân thành cảm ơn ông!
Nguyễn Ngân