Xuất khẩu thủy sản 2017: Mục tiêu 7,1 tỷ đô có khả quan?

“Ngành Thủy sản có thể hoàn toàn vượt qua được những khó khăn và chủ động có giải pháp biến nguy cơ thách thức thành thuận lợi. Tôi rất tin tưởng ngành Thủy sản sẽ thành công vượt bậc trong năm 2017”.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của ngành Thủy sản  trong năm nay.

Theo đó, năm 2017, ngành Thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, phấn đấu tổng sản lượng thuỷ sản đạt 6,85 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác 3,05 triệu tấn, nuôi trồng 3,8 triệu tấn.

Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, để thực hiện mục tiêu này, ngành thuỷ sản cần tập trung khai thác lợi thế của lĩnh vực nuôi trồng và khai thác.

[caption id="attachment_46765" align="aligncenter" width="588"]Năm 2017, ngành Thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD (Ảnh: Internet) Năm 2017, ngành Thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD (Ảnh: Internet)[/caption]

Sản phẩm thế mạnh

Theo thống kê năm 2016, xuất khẩu thủy sản tiếp tục là ngành hàng mũi nhọn của nền nông nghiệp với kim ngạch đạt khoảng 7 tỷ USD, tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt hơn 6,7 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác 3,1 triệu tấn (chiếm 44%), sản lượng nuôi trồng 3,6 triệu tấn (chiếm hơn 54%); diện tích nuôi trồng 1,3 triệu ha… So với năm 2015, tổng sản lượng thủy sản tăng 2,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,5%.

Đặc biệt, ngành thủy sản Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh xuất khẩu. Cụ thể, đối với sản phẩm tôm nước lợ, cả nước hiện có khoảng 700.000 ha nuôi tôm nước lợ. Trong đó, có 95.000ha nuôi tôm công nghiệp, còn lại hơn 600.000ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến, nhưng với năng suất hiện còn thấp.

Các chuyên gia nhận định, đây là sản phẩm thế mạnh và còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2017, nâng cao về sản lượng.

Đối với sản phẩm cá tra, theo Tổng cục Thủy sản cho biết, khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm quốc gia cá da trơn, tạo ra dòng sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và nâng cao uy tín, chất lượng con cá tra Việt Nam.

Như vậy, bên cạnh việc phát triển cá tra phi lê thì sẽ tạo ra dòng sản phẩm chất lượng cao, gia tăng sản phẩm có giá trị gia tăng cao chế biến từ cá tra.

Với giải pháp đó, sản phẩm cá tra năm 2017 hoàn toàn có thể tăng được sản lượng, người dân đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ chuyển đổi phương án sản xuất theo nhu cầu thị trường, nếu nhu cầu tăng, thậm chí có thể sản xuất 2-3 triệu tấn cá tra thay vì khoảng 1-1,2 triệu tấn/năm như hiện nay.

Ngoài ra, cùng với việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chính là cá tra và tôm nước lợ, cần phải tập trung phát triển sản phẩm đặc hữu có nhiều lợi thế trong nước để phát triển đồng đều ở các vùng miền.

Bên cạnh đó, cần tạo ra đột phá ở thị trường trong nước, bởi thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa với hơn 90 triệu dân. Trong năm 2017, sẽ có hội chợ lớn chuyên về cá tra tại Hà Nội để giới thiệu và xúc tiến mở rộng thị trường..

Thách thức khó đoán định

Nhận định về mục tiêu tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản năm 2017, ông Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành Nông nghiệp nói chung và Thủy sản nói riêng luôn luôn có 3 thách thức, tác động.

“Trước hết đó là phụ thuộc vào thiên nhiên và biến đổi khí hậu, chúng ta phải luôn cảnh giác với thách thức này. Bên cạnh đó là vấn đề dịch bệnh và ảnh hưởng của yếu tố thị trường. Trong năm 2017, các thách thức này sẽ có mức độ tác động khó đoán định” ông Vũ Văn Tám nhận định.

Về những thách thức được Thứ trưởng nêu ra, những yếu tố về thiên nhiên và dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã chỉ rõ cần phải kiểm soát tốt dịch bệnh.

Để làm được điều này, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương, cộng với kiểm soát được dịch bệnh, dư lượng kháng sinh, kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào.

Đặc biệt, là kiểm soát tốt khâu giống, áp dụng tốt các quy trình. Chủ động đề phòng tình trạng hạn, mặn cũng như khâu thị trường để triển khai hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Ngành Thủy sản cần xúc tiến và mở rộng thị trường, tập trung tạo hành lang pháp lý, kết hợp với việc xử lý tốt các rào cản thị trường của các nước nhập khẩu.

Trong những thị trường lớn của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thống kê năm 2016 của Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản(VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU tăng 7,5% đạt khoảng 589 triệu USD và đây vẫn là thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Cũng theo VASEP, tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vướng phải 2 rào cản lớn là thuế chống bán phá giá và Chương trình thanh tra cá da trơn. Mặc dù, chưa thực sự chắn chắn nhưng trong năm 2017 giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn tăng trưởng khá tốt.

Đặc biệt, sản phẩm cá tra còn có thị trường “cứu cánh” lớn hơn là thị trường Trung Quốc. Trong năm vừa qua, Trung Quốc – Hong Kong đã thay thế EU để trở thànhthị trường XK lớn thứ 2. Bên cạnh đó, cá tra Việt Nam còn có các thị trường xuất khẩu như: ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, điều quan trọng nhất là phải bám sát thực tiễn trong công tác chỉ đạo điều hành và dự báo các nguy cơ để ứng phó kịp thời.

“Với kinh nghiệm năm 2016, tôi thấy rằng ngành Thủy sản có thể hoàn toàn vượt qua được những khó khăn đó và chủ động có giải pháp biến nguy cơ thách thức thành thuận lợi. Tôi rất tin tưởng ngành Thủy sản sẽ thành công vượt bậc trong năm 2017” Thứ trưởng Bộ NN&PTNT bày tỏ.

Theo Thanh Hà Enternews

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video