Xu hướng tiếp thị người nổi tiếng trong B2B
Người có tầm ảnh hưởng trong giới doanh nghiệp (business influencer) và nội dung do nhân viên tạo ra (EGC - employee generated content).
Trong thế giới tiếp thị, sử dụng người nổi tiếng là một chiến lược phổ biến và được ứng dụng rất nhiều, từ những thương hiệu toàn cầu đến các thương hiệu địa phương nhỏ lẻ.
![]() |
Xu hướng tiếp thị người nổi tiếng trong B2B |
Dù influencer B2C thông dụng hơn, nhưng trong B2B, influencer ngày càng chứng tỏ được mức độ hiệu quả. Khác với B2C, influencer B2B thường chia làm hai loại: Bên ngoài công ty và trong nội bộ công ty.
Influencer bên ngoài công ty là những người không làm việc trong công ty đó. Họ tận dụng chuyên môn và mạng lưới quan hệ của riêng mình để quảng bá, tiếp thị cho sản phẩm dịch vụ của công ty. Những người này thường tập trung vào các chủ đề thiên về cảm xúc như tuyển dụng, chuyển đổi doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển bền vững.
Trong khi đó, influencer nội bộ là các nhân viên có thể đại diện cho công ty, giúp công ty truyền tải thông điệp. Phương án này có ưu điểm là tiết kiệm chi phí và mang “tính người” rất cao, dễ kết nối.
Một trong những thương hiệu vận dụng thành công các influencer nội bộ là thương hiệu khách sạn IHG. Trên website về tuyển dụng của mình, IHG thường xuyên đăng tải những lời chia sẻ về sự nghiệp, kinh nghiệm trong ngành từ những người lãnh đạo nổi tiếng tại các khách sạn cao cấp của họ trên toàn cầu, chẳng hạn ông Sriram Kailasam (Tổng quản lý Regent Phú Quốc) hoặc ông Franck Lopez (Tổng quản lý Intercontinental Malta). Đồng thời, họ còn đăng tải các video trên mạng xã hội với nội dung là nhân viên hiện tại kể về những lợi ích khi làm việc cho IHG. Cách làm này không chỉ giúp họ cải thiện nhận thức và giữ chân nhân tài, mà còn thu hút thêm nhân lực mới.
Trên thực tế, những nền tảng mạng xã hội lớn, bao gồm cả MXH tuyển dụng như LinkedIn, cũng ưu tiên nội dung từ cá nhân hơn doanh nghiệp. Do đó không hề ngạc nhiên khi nội dung do nhân viên chia sẻ sẽ có mức độ tương tác cao gấp khoảng tám lần so với nội dung tiếp thị doanh nghiệp thông thường.
Sự ảnh hưởng ngày càng tăng của nội dung video
Video là một trong những loại hình nội dung giúp B2B influencer và EGC ngày càng phát triển. Nghiên cứu từ LinkedIn cho thấy mức độ tăng trưởng video hằng năm đạt 36%. Hoạt động sản xuất video cũng tăng gấp đôi so với các dạng bài đăng khác.
Bên cạnh đó, LinkedIn từng tiến hành một khảo sát trên 1.700 đơn vị mua hàng công nghệ B2B ở Mỹ, Anh và Ấn Độ, kết quả cho thấy 63% khẳng định video dạng ngắn trên mạng xã hội là hình thức nội dung “thuyết phục và đáng tin cậy nhất”, đặc biệt khi có sự góp mặt của các chuyên gia hoặc influencer trong ngành.
![]() |
Video là một trong những loại hình nội dung giúp B2B influencer và EGC ngày càng phát triển |
Dĩ nhiên, LinkedIn không phải là nền tảng duy nhất chứng kiến sự thay đổi của các nội dung tiếp thị B2B. Ngày càng nhiều công ty tiếp cận khách hàng doanh nghiệp trên TikTok hoặc Instagram.
Video B2B trên mạng xã hội không nhất thiết phải quá chỉn chu hay nghiêm túc. Đôi khi những video tự cá nhân quay, không qua chỉnh sửa lại mang màu sắc gần gũi hơn, thậm chí có tính thuyết phục hơn.
Hiện nay xu hướng này đang được các CEO người Anh và các chuyên gia quan hệ công chúng ưa chuộng. Họ thường đăng các video tự quay bằng điện thoại, không chỉnh sửa, đôi khi còn rung lắc, giới thiệu về những vấn đề chuyên ngành như báo cáo tài chính bằng phong cách thân mật. Họ nhận định rằng loại hình này sẽ tạo tính chân thực và tạo ra mối liên hệ với các nhà đầu tư và khách hàng hơn là những bài thuyết trình trau chuốt, bóng bẩy, mang tính quảng cáo quá mức.
Dùng AI là công cụ hỗ trợ, đừng phụ thuộc hoàn toàn
Dù là nhân viên chia sẻ góc nhìn cá nhân, hay CEO muốn chứng minh rằng các cuộc họp không phải thứ nhàm chán, thì tất cả đều là yếu tố con người đang “thổi hồn” vào nội dung B2B trên mạng xã hội.
Vậy thì AI, xu hướng thống trị công nghệ hiện nay, đóng vai trò như thế nào? Câu trả lời: Tùy vào cách sử dụng.
Nếu phụ thuộc quá mức vào AI, số lượng nội dung sẽ tăng, nhưng chất lượng lại giảm. Hay như cảnh báo của một số chuyên gia, đó là con người “sẽ chìm trong thông tin nhưng đói khát tri thức.”
Còn nếu biết sử dụng AI một cách hợp lý, đội ngũ tiếp thị có thể tinh gọn quy trình, nâng cao hiệu suất và có được những dữ liệu, phân tích phù hợp để hỗ trợ các chiến dịch. Chẳng hạn, Klarna đã tiết kiệm được 10 triệu đô khi áp dụng AI tạo sinh vào quy trình sáng tạo nội dung cho các sự kiện lớn như Ngày của mẹ hoặc Black Friday.
Với B2B tiếp thị, AI có thể được ứng dụng ở mọi khía cạnh, từ biên dịch nội dung (bao gồm cả video), đến tối ưu khả năng tìm kiếm và truy xuất thông tin. Nói cách khác, AI sẽ là một công cụ hiệu quả phía sau cánh gà để giúp các doanh nghiệp tạo nên những chiến lược tiếp thị B2B đúng mục tiêu hơn, sáng tạo hơn, hấp dẫn hơn và thậm chí “nhân văn” hơn.