Việt Nam là nước nhập khẩu máy móc lớn thứ 5 của Đài Loan
Lợi thế của thị trường này là sản phẩm có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và khoảng cách địa lý gần.
Theo thông tin tổng hợp chuẩn bị cho sự kiện triển lãm máy công cụ quốc tế tại Đài Bắc (TIMTOS), Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 3/2019, Việt Nam đang xếp thứ 5 trong top 10 quốc gia nhập khẩu những sản phẩm chế tạo máy từ Đài Loan. Tính đến tháng 3/2018, Việt Nam cũng đứng vị trí thứ 8 về nhập khẩu phụ tùng và chi tiết máy công cụ của Đài Loan, cùng Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Nhật Bản,...
Theo các chuyên gia, thiết bị nhập khẩu từ thị trường này ngày càng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam nhờ đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất, hiệu quả trong chất lượng thành phầm, giá cả sản phẩm cạnh tranh và khoảng cách địa lý gần. Hơn nữa, chủ đầu tư người Đài Loan sang Việt Nam cũng có xu hướng tăng và thường ưu tiên lựa chọn nhập khẩu máy móc, thiết bị từ quê hương mình.

Trong đó, Advantech là một trong những thương hiệu thiết bị đã trở nên quen thuộc tại nhiều công ty công nghệ trong nước. Thành lập năm 1983 tại Đài Loan, nhà sản xuất này chủ yếu cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực smart city và IoT (Intenet vạn vật).
Tính đến hết năm 2017, Advantech có 8.000 công nhân, có mặt tại 27 quốc gia, đạt doanh thu 1,455 triệu USA, chiếm 32% thị phần máy tính công nghiệp thế giới.
Theo chia sẻ của ông Ngô Việt Hải - Giám đốc Phát triển Kinh Doanh của tập đoàn Advantech (Đài Loan), khi sản xuất bất cứ thiết bị nào, doanh nghiệp cũng dành riêng từng ứng dụng cụ thể. Tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất, đến thành phẩm đều phải gửi qua tất cả các trung tâm kiểm định toàn cầu liên quan đến ứng dụng đó.
Sau cung cấp sản phẩm, nhà sản xuất còn đồng hành với khách hàng để có những đánh giá kỹ hơn ở từng môi trường làm việc, từng điều kiện cũng như nhu cầu và đòi hỏi của thị trường. Chẳng hạn, nếu đem những thiết bị ứng dụng trong giao thông ở châu Âu sang Việt Nam, Advantech sẽ cử kỹ sư qua để nghiên cứu yếu tố nhiệt độ ngoài trời để điều chỉnh thiết kế cho phù hợp.
Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong -ITD (Khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM) là đơn vị ứng dụng nhiều thiết bị Advantech trong suốt hơn 10 năm qua. Từ ứng dụng thu phí 2 dừng, đến thu phí 1 dừng và hiện nay đã có thu phí không dừng tại các cao tốc lớn như Hà Nội - Hải Phòng; Long Thành - Dầu Giây, Trung Lương - TP HCM,...
Theo ông Lâm Thiếu Quân - Tổng giám đốc ITD, lý do doanh nghiệp chọn nhà cung ứng này là do đặc thù giao thông và thời tiết của Việt Nam và Đài Loan khá tương đồng. Hơn nữa, sản phẩm có giá thành hợp lý, chất lượng ổn định cũng như hệ thống hỗ trợ kỹ thuật chu đáo..
Công ty Quảng cáo Ấn Tượng (Khu chế xuất Tân Tạo, TP HCM) cũng đang sử dụng dòng máy cắt bằng tia nước Flow của Đài Loan. Đại diện doanh nghiệp cho biết, máy cắt tia nước cho mặt cắt đẹp và hoàn chỉnh, có thể cắt lên tới độ dày 250 mm.
Đây là một trong những máy công nghệ cao cấp nhất thế giới hiện nay có thể cắt đủ loại vật liệu từ vải, gỗ, đá, kim loại đen, vàng... đến võ tàu vũ trụ, máy bay phản lực... Máy sử dụng một tia nước tự động có áp suất cao, có thể đạt từ 40.000 psi đến trên 87.000 psi, để cắt các bề mặt với độ chính xác cao.
Tia nước có hạt mài thường tạo ra vết cắt có độ rộng 0,4-1,2 mm. Tia cắt không có hạt mài tạo ra vết cắt nhỏ như sợi tóc của con người, với chiều rộng 0, 075-0,35 mm. Tại Mỹ, công nghệ này thường được ứng dụng để gia công cho Boeing, NASA, để ra những linh kiện composit cực kỳ cao cấp, có thể chịu nhiệt từ -200 đến 2.000 độ C.
Máy Flow sử dụng công nghệ Mỹ có độ bền cao và kiểu dáng thẩm mỹ nhưng giá thành tốt hơn. Thông thường, máy do Mỹ sản xuất có giá bán vào khoảng 400.000 USD. Nhưng dòng máy do Đài Loan sản xuất có giá chỉ bằng phân nửa, tức tầm 200.000 USD. Ngoài ra, do khoảng cách gần nên khi nhập từ Đài Loan, các vấn đề hậu mãi, bảo trì, bảo dưỡng cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ đảm bảo hơn.
[caption id="attachment_96415" align="aligncenter" width="480"]
Đối với ngành công nghiệp đúc gang, Shin-Fung (Trảng Bom, Đồng Nai) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Đài Loan và ứng dụng 100% thiết bị máy móc từ Đài Loan. Nhà máy chuyên đúc các sản phẩm kim loại gang cầu FCD, gang xám FC, gang cầu,… cung ứng cho thị trường Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Canada, Australia, Nhật... Năng lực sản xuất hiện đạt hơn 6.000 tấn thành phẩm mỗi năm.
Doanh nghiệp đã đưa vào ứng dụng máy công cụ chính xác CNC để gia công các bộ phận máy, phụ tùng ô tô, vỏ motor,.. với mức dung sai thấp. Shin-Fung cũng sử dụng máy phân tích thành phần gang và máy soi kim cương nhập khẩu từ Đài Loan, để xác định cấu trúc tiêu chuẩn gang.
Ông Kang Chao Tung - Tổng giám đốc công ty cho biết, đang lên đề án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất gang tự động hóa hoàn toàn khép kín, sử dụng dây chuyền nhập khẩu toàn bộ từ Đài Loan.
Bên cạnh các công nghệ hiện có, ngành công nghiệp Đài Loan đang hướng đến "công nghiệp 4.0 và sản xuất công cụ thông minh". Các nhà sản xuất máy công cụ tại thị trường này sẽ tận dụng các công nghệ mới như cảm biến, robot công nghiệp, phân tích dữ liệu đám mây và công nghệ giám sát từ xa,... để đưa ra những giải pháp toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất trên thực tế.
Theo VNE