Vì sao nhiều doanh nghiệp “trễ nải” thực thi nghĩa vụ nộp thuế?
Lí do chính khiến các doanh nghiệp còn e ngại nộp thuế là tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn trong giai đoạn hiện tại.
[caption id="attachment_37003" align="aligncenter" width="588"]
Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo công bố Bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 DN nộp thuế Thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2016 diễn ra vào ngày 13/10.
Theo đó, trong phản hồi của doanh nghiệp, có đến 54% Doanh nghiệp chọn lí do sản xuất kinh doanh khó khăn, tiếp theo sau đó các quy định, chính sách thuế của Chính phủ với tỉ lệ lựa chọn là 42%. Hiện nay, đứng trước thách thức hội nhập cùng với hàng loạt hiệp định tự do thương mại được kí kết, doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn như dòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế yếu, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng việc tiếp cận với chính sách giảm thuế là khó khăn vì khi sản xuất kinh doanh đình trệ, không có thị trường tiêu thụ hàng hóa, doanh nghiệp bị thua lỗ thì sẽ dẫn tới doanh nghiệp không có thu nhập doanh nghiệp và không nhận được hỗ trợ giảm thuế từ phía Chính phủ. Đó cũng là lí do vì sao nhiều doanh nghiệp còn chậm, trễ nải trong việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế.
Theo Vietnam Report, trong khuôn khổ chuẩn bị công bố Bảng xếp hạng V1000 đơn vị này cũng đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của đại diện các DN V1000 trong 5 năm trở lại đây nhằm tổng hợp những nhận định của các DN trước những nỗ lực cải cách của ngành Thuế trong thời gian vừa qua.
Doanh nghiệp phản hồi tích cực với chính sách cải cách thuế
Trong năm vừa qua, những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ về chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế đã tạo ra những bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý thuế. Theo báo cáo gần đây của Bộ Tài chính, những cải cách về chính sách trong 2 năm qua đã đạt được mục tiêu và thời gian đề ra.
Không chỉ có vậy, đứng về phía các doanh nghiệp, họ cũng có những phản hồi tích cực đối với những thay đổi cho đến thời điểm hiện tại. Có đến 88% Doanh nghiệp phản hồi đánh giá từ tích cực đến khá tích cực về sự chuyển biến của pháp luật thuế trong khoảng thời gian này và chỉ có 1% doanh nghiệp phản hồi có phần tiêu cực. Các chính sách, văn bản nhà nước đưa ra trong hạng mục thuế đã thuyết phục được số đông các doanh nghiệp về tiến trình cải cách thuế.
So với năm 2015, đánh giá của các doanh nghiệp đối với hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam đã có phần khả quan hơn. Nếu như trong năm 2015, có tới 61% số doanh nghiệp mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định của hệ thống thuế thì đến nay, con số đã đảo ngược lại khi 65% Doanh nghiệp phản hồi rằng hệ thống thuế đã đạt tới mức tương đối ổn, không cần điều chỉnh nhiều hoặc nếu có thì chỉ cần điều chỉnh chút ít. Chất lượng thông tin của các văn bản liên quan đến Thuế đã tiếp cận trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016 vừa qua cũng được 75% doanh nghiệp đánh giá là sẵn có, dễ tìm, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Hai loại thuế nằm trong mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp
Ngoài đánh giá chung về pháp luật ngành thuế, khảo sát các doanh nghiệp V1000 cũng tìm hiểu đánh giá của doanh nghiệp về 8 sắc thuế có liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là thuế môn bài, thuế TNDN, thuế GTGT, thuế Xuất nhập khẩu, thuế TNCN, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Sử dụng đất, thuế Tài nguyên, và các thuế khác.
Theo kết quả trả lời khảo sát, có tương ứng 25% và 23% doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp và cho rằng hai loại thuế này còn cần phải điều chỉnh nhiều. Tuy nhiên, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, sắp tới các chính sách thuế mới được Bộ Tài chính đưa ra về ưu đãi các loại thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT và TTĐB sẽ có hiệu lực, được mong đợi sẽ tạo lợi thế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên sân chơi nước nhà.
Trong những năm qua, ngành Thuế đã đặt ra nhiều định hướng, giải pháp để thúc đẩy cải cách, tuy nhiên trong những yếu tố mà doanh nghiệp phản hồi thì kết quả cho thấy rằng, doanh nghiệp mong muốn nhất ở ngành thuế là hoạt động đơn giản hóa các TTHC (91%), đây cũng chính là định hướng của Chính phủ trong công tác cải cách phía trước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đặc biệt trong Báo cáo Thuế Paying taxes của PwC năm 2016, Việt Nam được đánh giá là một trong ba nước Châu Á Thái Bình Dương có sự cải thiện rõ rệt trong thủ tục hành chính thuế.
Tổng số thời gian nộp thuế là chỉ số giảm sâu nhất, tổng thời gian nộp thuế đến năm 2015 hiện nay chỉ còn 117 giờ mỗi năm, cho thấy ảnh hưởng tích cực của cải cách thuế quốc gia. Tuy nhiên đây vẫn là con số ở mức cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đi kèm với tiến trình cải cách thuế trên thế giới việc tiếp cận và phổ cập kê khai thuế điện tử.
Có đến 62% Doanh nghiệp quan tâm và mong muốn tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện TTHC Thuế vì lợi ích của hệ thống kê khai thuế điện tử. Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số DN phản hồi lại do có nhiều thay đổi liên tục trong một số chính sách nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực hiện, nhất là đối với các doanh nghiệp thuộc vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, đối với việc ứng dụng CNTT trong cải cách thuế, nhiều doanh nghiệp cũng phản hồi nguyện vọng mong muốn được hướng dẫn cụ thể, và phổ cập phần mềm kê khai cho phù hợp với hệ thống công nghệ thông tin tại địa phương.
Ngoài ra, theo như số liệu Ban Tổ chức V1000 thu thập được trong đợt khảo sát vừa qua, 43% Doanh nghiệp thể hiện nguyện vọng tăng tính công khai minh bạch nhằm giảm thiểu những vấn đề xung quanh xử lý sai phạm vê thuế và 23% số doanh nghiệp có mong muốn được tham gia vào quá trình soạn thảo, sửa chữa, bổ sung các văn bản pháp luật về thuế.
Theo Linh Nga DĐDN