VEPR dự báo GDP quý IV đạt 7,12%, lạm phát vượt mục tiêu 4%
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao đột biến trong quý III, VEPR dự báo tăng trưởng quý IV sẽ ở mức 7,12%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,64%, cải thiện 0,27 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước.
Chiều ngày 11/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR tổ chức buổi họp báo công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III/2017.
Tại sự kiện, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho biết tăng trưởng kinh tế quý III của Việt Nam cao bất thường, đạt mức 7,46% - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng đạt 6,41%. Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ đều có sự cải thiện so với cùng kỳ các năm trước. Ngoại trừ khai khoáng, các ngành công nghiệp – xây dựng đều tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 12,77%. Các chỉ báo sản xuất công nghiệp khác đều diễn biến tích cực.
[caption id="attachment_71048" align="aligncenter" width="700"]
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao đột biến trong quý III, VEPR dự báo tăng trưởng quý IV sẽ ở mức 7,12%, đưa tăng trưởng cả năm lên mức 6,64%, cải thiện 0,27 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước.
Đồng thời, với đà phục hồi trong giá thực phẩm, sức ép mục tiêu về tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn, lộ trình tăng giá dịch vụ công, sự trao nhiều quyền hạn hơn cho EVN trong việc điều chỉnh giá điện cùng với đó là nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, TS Thành cho rằng lạm phát quý IV sẽ gia tăng lên mức 4,16%, vượt qua mức mục tiêu là 4% và cao hơn 1,97 điểm phần trăm so với dự báo của VEPR trong quý trước.
Cũng theo Viện trưởng VEPR, tỷ giá có cơ sở để ổn định tới cuối năm. Mặc dù lượng cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm theo mùa vụ, nhưng sự ổn định tương đối của cán cân vãng lai và trạng thái thặng dư liên tục của cán cân vốn tạo nguồn cung đủ lớn cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian tới.
Nhóm nghiên cứu của VEPR đánh giá, mức tăng trưởng cao cùng với sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu giảm là những kết quả tích cực đạt được trong quý III, tạo không gian cho các hoạt động kinh tế vào Quý IV. Tuy nhiên, về cơ cấu tăng trưởng, xuất siêu của khu vực FDI đang phải bù đắp cho nhập siêu của khu vực trong nước, cho thấy sự lệ thuộc về xuất khẩu vào khu vực FDI. Ngoài ra, số việc làm tạo mới trong quý II giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, kéo dài chuỗi suy giảm kể từ tháng 4/2017.
"Tín hiệu này đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện chất lượng tăng trưởng, vì mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng vẫn là tạo việc làm, chứ không phải nằm ở con số", VEPR khuyến nghị.
Theo Thanh Tâm - NDH