Trong cuộc đua hội nhập, Việt Nam nên làm rùa hay thỏ?
“Trong cuộc đua, thà làm một con rùa còn hơn làm một con thỏ. Những nước có thể không phát triển nhanh nhưng ổn định sẽ vượt qua khủng hoảng. Đó là quan điểm của tôi về cách Việt Nam có thể tồn tại”, ông Toshiro Nishizawa, Giáo sư Chính sách công, Đại học Tokyo nhận định.
[caption id="attachment_9087" align="aligncenter" width="700"]
Tại hội thảo “Cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN”do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (13/11), ông Toshiro Nishizawa, Giáo sư Chính sách công, Đại học Tokyo cho rằng, Việt Nam đang ở trong bước ngoặt quan trọng và AEC là một trong những động lực chính cho sự chuyển đổi sang mô hình mới.
Tuy vậy, vị chuyên gia Nhật Bản cũng tỏ ra quan ngại về những thách thức đặt ra cho Việt Nam khi gia nhập AEC. Ông chỉ ra ba thách thức lớn gồm Sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Sự hội nhập tài chính và Vấn đề về lao động.
Đề cập đến những thách thức về doanh nghiệp, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nhận xét, sự chi phối của doanh nghiệp nhà nước đã ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bởi vậy, cải cách tài chính là điều Việt Nam cần thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, ông Jonathan Dunn lưu ý.
Ngoài ra, Trưởng đại diện IMF cũng cho rằng, cải cách giáo dục để chuyển dịch lực lượng lao động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất cũng là điều Việt Nam cần quan tâm.
Về vấn đề tài chính, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB nhận định, AEC sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối cơ sở hạ tầng và rào cản về pháp lý liên quan đến thương mại mậu biên, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án này. Tuy nhiên, việc thực hiện bị cản trở bởi vấn đề về huy động tài chính tư nhân trong cơ sở hạ tầng.
“Việt Nam cần vai trò của khu vực tư nhân, nhưng việc hiện thực hóa là không dễ. Các nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận rủi ro ở Việt Nam rất cao, thiếu sự bình đẳng và thách thức trong nhiều dự án”, chuyên gia của ADB phân tích. Ông cũng đề xuất, Việt Nam cần hài hòa hóa chính sách và khung pháp quy đồng thời tăng cường đối thoại với khu vực tư nhân.
Thêm vào đó, ông Aaron Batten nhận định về những tác động tiêu cực của Việt Nam khi hội nhập AEC trong lĩnh vực nông nghiệp. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong cộng đồng AEC nên sẽ ảnh hưởng đến những người yếu thế như nông dân.
Chuyên gia kinh tế Nhật Bản này cũng đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các chương trình tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch lao động và lưới an sinh xã hội để những người yếu thế không thiệt thòi. “Việt Nam cần học kinh nghiệm của các nước đã trải qua để tranh thủ tốt các cơ hội khi hội nhập vào AEC”, ông Aaron Batten kết luận.
Cuối cùng, bàn về vấn đề lao động, ông Yashiro Hiroaki, MPI so sánh, độ tuổi lao động trung bình của Việt Nam là 29 tuổi, bằng độ tuổi lao động của Nhật những năm 1960 và độ tuổi này không thể kéo dài mãi.
Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng các FTA ở Việt Nam còn thấp. Chính vì vậy, ông Yashiro Hiroaki nhấn mạnh, Việt Nam cần có sự tăng cường về năng lực và con người, trong đó chú trọng đến các chuẩn mực chung trong kết nối về thể chế và nguồn lao động.
Theo Bizlive