Trình UBND TPHCM phê duyệt dự án nút giao thông Mỹ Thủy 838 tỷ đồng
Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa trình UBND thành phố phê duyệt dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2) với tổng mức đầu tư 838 tỷ đồng.
[caption id="attachment_8287" align="aligncenter" width="700"]
Theo tờ trình của Sở GTVT TPHCM, dự án sẽ xây dựng 1 nhánh cầu vượt theo hướng đường Vành đai 2, hầm chui theo hướng rẽ trái từ đường Vành đai 2 vào đường Nguyễn Thị Định (phía cảng Cát Lái), xây dựng 1 nhánh cầu Kỳ Hà 3, một số nhánh đường rẽ phải, hầm chui, đường chui dưới dạ cầu để đảm bảo an toàn giao thông qua nút giao.
Trước đó, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất UBND thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy mô ở giai đoạn hoàn chỉnh với tổng mức đầu tư lên đến khoảng 2.000 tỷ đồng (không bao gồm giải phóng mặt bằng), trở thành dự án nhóm A.
Tuy nhiên đề xuất điều chỉnh này chưa phù hợp với Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 26/8/2015 của HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 838 tỷ đồng).
Được biết, vào tháng 6/2015, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Chính phủ, theo đó, chính quyền thành phố cho rằng nút giao thông Mỹ Thủy thuộc quận 2 là nút giao quan trọng giữa trục đường ra vào cảng Cát Lái và đường vành đai 2 TPHCM.
Khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, chủ yếu do lưu lượng xe qua nút giao này rất lớn, trong khi tại đây chưa có cầu vượt hoặc hầm chui.
Theo phương án dự kiến, TPHCM sẽ đầu tư trước giai đoạn 1 nút giao Mỹ Thủy với quy mô gồm 1 cầu vượt theo hướng đường vành đai 2, kết hợp với 1 hầm chui bên dưới nút giao thông hiện hữu (không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng). Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 770 tỉ đồng.
Về các phương án đầu tư, UBND TPHCM cho biết, hình thức đối tác công – tư (PPP) trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều điều kiện ràng buộc về pháp lý làm cho việc đầu tư dự án khó thực hiện. Các hình thức đầu tư khác như BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao); BTL (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ); BLT (xây dựng – thuê dịch vụ – chuyển giao) cũng khó thực hiện. Còn hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) cũng không khả thi vì không có quỹ đất, việc thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách thành phố còn hạn chế, thời gian thực hiện kéo dài.
Do vậy, chính quyền TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà thầu ứng vốn thi công gói thầu xây lắp, ngân sách thành phố trả chậm trong thời gian từ 2 năm đến 5 năm, có tính lãi vay trong thời gian xây dựng và lãi trả chậm. Hình thức này cũng tương tự như hình thức đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông đã được Chính phủ chấp thuận trước đây.
UBND TPHCM cam kết cân đối đủ vốn ngân sách để thanh toán chi phí đầu tư xây dựng công trình theo phương án trả chậm có tính lãi cho nhà đầu tư.
Theo DĐDN