TP. Hồ Chí Minh đề nghị cơ chế PPP phát triển sản phẩm văn hóa

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch đêm và đa dạng hóa sản phẩm, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì ban hành cơ chế hợp tác công tư (PPP). Cơ chế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bảo tàng, khu di tích văn hóa lịch sử trên cả nước, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh thí điểm thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm và hoạt động về đêm phục vụ du khách.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành các cơ chế, chính sách PPP theo quy định, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế đêm một cách toàn diện.

Đồng thời, Sở cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cho phép các địa phương chủ động kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm tại các khu vực, địa bàn và điểm du lịch.

Việc này cần đảm bảo phù hợp với lợi thế, điều kiện cơ sở hạ tầng, khả năng đáp ứng và an ninh, trật tự xã hội.

TP. Hồ Chí Minh khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các tour tuyến đêm để trải nghiệm cuộc sống của thành phố
TP. Hồ Chí Minh khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các tour tuyến đêm để trải nghiệm cuộc sống của thành phố

Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã phát triển các sản phẩm du lịch gắn với kinh tế ban đêm trên địa bàn như các chương trình chuyên đề phục vụ du lịch qua show diễn “Trăng Chiến Khu" tại Địa đạo Củ Chi, “Đất Thép - Địa đạo an toàn nhất trong lòng dân” tại Nhà Truyền thống huyện Củ Chi, hay sản phẩm “Quận 1 - Sắc màu đêm”.

Bên cạnh đó, các hoạt động biểu diễn thường xuyên tại các sân khấu, trung tâm giải trí lớn như À Ố Show, sân khấu ca nhạc, kịch, xiếc, cùng các sự kiện âm nhạc đẳng cấp và chương trình “Về Chợ Lớn xem múa lân” nhằm quảng bá nghệ thuật Lân Sư Rồng.

Ngoài ra, du khách có thể khám phá thành phố bằng xe buýt 2 tầng thoáng nóc, trải nghiệm Saigon Water Bus, tour “Ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn” hay các chương trình du lịch kết hợp ẩm thực trên tàu nhà hàng sông Sài Gòn.

Trong thời gian vừa qua, không gian văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm cũng được ngành du lịch thành phố chú trọng phát triển.

Thành phố đã định hình phố đêm nổi tiếng như Bùi Viện (Quận 1), các tuyến phố ẩm thực Vĩnh Khánh, Hồ Thị Kỷ, Nguyễn Thượng Hiền, Food Street Market, Quảng trường nhạc nước Hòa Bình Square, Công viên văn hóa Đầm Sen.

Ngoài ra, các hoạt động mua sắm, giải trí đêm cũng diễn ra sôi động tại các trung tâm thương mại lớn như Saigon Square, Takashiyama, Aeon, Lotte Mark, Emart, cùng các câu lạc bộ giải trí, chợ đêm và phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Phố đi bộ Bùi Viện nơi du khách thích thú rải nghiệm ẩm thực và các hoạt động giải trí về đêm khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh
Phố đi bộ Bùi Viện nơi du khách thích thú rải nghiệm ẩm thực và các hoạt động giải trí về đêm khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh

Trong thời gian tới, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức các tuyến phố đi bộ đêm với đa dạng hoạt động như tham quan, “check-in”, vui chơi giải trí, trò chơi dân gian, ẩm thực, mua sắm, biểu diễn nghệ thuật đường phố. Thành phố cũng sẽ kêu gọi đầu tư các trung tâm du lịch kết hợp sự kiện, giải trí về đêm với các show diễn văn hóa định kỳ, và ưu tiên các dự án đầu tư ven sông Sài Gòn nhằm tăng cường hoạt động giải trí đêm.

Đặc biệt, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ khảo sát, đánh giá và định hướng hình thành các khu ẩm thực hoặc tuyến phố chuyên đề ẩm thực, kết hợp hoạt động mua bán và thưởng thức ẩm thực chế biến tại chỗ để du khách trải nghiệm quy trình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển Tài nguyên Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang phối hợp với hệ thống bảo tàng nghiên cứu để tổ chức 2 sản phẩm ban đêm mới tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, bao gồm chương trình tham quan chuyên đề buổi tối, kết hợp trải nghiệm các hình thức dân gian và show biểu diễn áo dài.

Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh và đạo diễn Lê Quý Dương xây dựng chương trình biểu diễn về các cô gái dân công hỏa tuyến ở Vĩnh Lộc, dự kiến ra mắt trong năm nay.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh khẳng định, ngành du lịch sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành tổ chức chương trình tham quan các điểm đến ban đêm phù hợp, khám phá ẩm thực đặc trưng, trải nghiệm các hoạt động chế biến, mua sắm đặc sản; đồng thời phát triển các chương trình du lịch đi bộ (walking tour) và tour xích lô đêm.

Theo Thời báo Ngân Hàng

Thị trường khách sạn 5 sao hồi phục nhờ chính sách hỗ trợ du lịch mới

Theo báo cáo của của Knight Frank tại Việt Nam, trong nửa đầu năm 2025, giá phòng trung bình theo ngày (ADR) tại TP. Hồ Chí Minh tăng lên 152 USD/phòng/đêm, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào hơn 22,1 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước) trong mùa cao điểm nửa đầu năm 2025.

Video