TP.Hồ Chí Minh: 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập

Đây cũng là chủ đề của hội thảo khoa học “TP. Hồ Chí Minh: 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” do Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM vừa tổ chức nhằm hướng đến sự kiện chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

HCM

Góp phần xóa bỏ quan liêu, bao cấp

Ngày 30/4/1975, cùng với miền Nam, Sài Gòn giải phóng, đất nước thống nhất. Chiến thắng như huyền thoại ấy thấm bao máu và nước mắt, gian khổ, hi sinh của đồng bào, đồng chí... để rồi cùng với thời gian và trong suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đến nay, “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập vĩ đại của dân tộc luôn là đề tài phong phú cho nhiều cuộc hội thảo. Nhiều bài học vô giá đã được đúc kết”, như nhận xét của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM trong bài phát biểu của mình tại hội thảo.

Theo ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM, từ một thành phố bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, TP.HCM đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng, phát triển nên thành phố năng động, hiện đại nhất cả nước là nỗ lực lớn của các cấp, ngành và nhiều thế hệ lãnh đạo.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thì nhìn nhận rằng, TP.HCM đã góp phần xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của các đơn vị kinh tế, đóng góp rất lớn cho thành tựu đổi mới của đất nước.

Sau ngày thống nhất, TP.HCM đối mặt với muôn vàn khó khăn, phải “chạy ăn từng bữa” cho 3,5 triệu người, người dân phải ăn cơm trộn với bo bo, bột mì, khoai sắn... Giai đoạn năm 1979 – 1980 là đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế tại TP.HCM, nguy cơ kéo theo khủng hoảng niềm tin của nhân dân. Trong tình hình đó, lãnh đạo TP.HCM bấy giờ mà tiêu biểu là ông Nguyễn Văn Linh và ông Võ Văn Kiệt, đã kêu gọi giai cấp công nhân, nhân dân lao động, viên chức nhà nước tự cứu lấy mình với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm” để thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, duy ý chí.

Từ đó hình thành nên một khí thế phát triển mới, nhiều phong trào đã diễn ra khắp nơi. Hàng loạt mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến xuất hiện đã góp phần rất lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước sau này, như Công ty Bột giặt miền Nam (Viso), Xí nghiệp Thuốc lá, Nhà máy Bia Sài Gòn, Dệt Thành Công, Dệt Phước Long, Dệt Thắng Lợi, Dệt Phong Phú...

Theo nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, qua 40 năm, TP.HCM đạt được những thành tựu to lớn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn là minh chứng cho việc phát huy lợi thế của một thành phố lớn, là trung tâm quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa, khoa học, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả nước. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM luôn cao gấp 1,6 lần so với trung bình cả nước, đóng góp của thành phố cho GDP cả nước cũng ngày càng tăng lên. Nếu trước đây là 13% thì nay con số này là trên 20%”, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn chứng.

Tuy vậy, ông Phan Văn Khải cũng nhận xét rằng, TP.HCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cần có quyết tâm cao để vượt qua để có thể phát triển bền vững, bởi quy hoạch và quản lý đô thị chưa xứng tầm, hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, rất phức tạp.

Đô thị đặc biệt

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, qua 40 năm xây dựng, hội nhập, phát triển, TP.HCM đã đạt những thành tựu to lớn, toàn diện. Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên và 8,8% dân số cả nước nhưng năm 2014 vừa qua, thành phố đã đóng góp đến 21,7% GDP cả nước, 30,3% tổng thu ngân sách nhà nước, 29,8% khu vực dịch vụ, 29,8% khu vực công nghiệp xây dựng, 21,4% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 20,7% giá trị kim ngạch nhập khẩu, 22,3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Năm 2014, thu nhập bình quân của người dân thành phố đạt 5.131 USD, bằng 2,5 lần so với bình quân đầu người của cả nước.

TP.HCM hiện là đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí địa chính trị, có sức hút và lan tỏa lớn. Tuy vậy, TP.HCM còn phải đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế như năng lực cạnh tranh còn yếu, vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông, quá tải bệnh viên, ngập úng kéo dài... Đây là những vấn đề mà chính quyền và nhân dân TP.HCM phải rút ra bài học kinh nghiệm và tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Quân cho rằng, trong giai đoạn sắp tới, TP.HCM cần tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm.

HCM 1

Cùng quan điểm, ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, TP.HCM cần hướng tới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh, đẩy mạnh nghiên cứu, tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học – công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa... TP.HCM cần chủ động nghiên cứu, đề xuất với trung ương các cơ chế, chính sách thích hợp, đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, nhất là về ngân sách, để TP.HCM thực sự trở thành đầu tàu và động lực kinh tế của cả nước.

TP.HCM có thực tiễn sinh động trong việc nhận thức vai trò và giải quyết mối quan hệ của nhà nước và thị trường trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, từ đó đóng góp nhiều vấn đề về lý luận hết sức thuyết phục cho việc hình thành hệ giá trị lẫn đường lối đổi mới đất nước.

“Bài học của TP.HCM là vấn đề sản xuất kinh tế hàng hóa, phát triển nhiều thành phần kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra môi trường cạnh tranh tự do và bình đẳng cho các thành phần kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, sử dụng các nguồn lực của nhà nước, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát huy vai trò các công cụ của nhà nước trong điều tiết, phát triển kinh tế thị trường”, ông Huệ lưu ý và cho biết thêm, đây là các vấn đề mà Ban Kinh tế Trung ương quan tâm và chú trọng nghiên cứu không chỉ cho giai đoạn hiện nay mà còn cho việc thảo luận và hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới.

Năm 2000, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP.HCM đạt 5,3 tỷ USD; đến năm 2014 đã đạt trên 40 tỷ USD, tăng 7,5 lần, trung bình mỗi năm GDP tăng gấp đôi.

Đến hết năm 2014, TP.HCM có 140.000 doanh nghiệp, hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, có 5.331 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 36,6 tỷ USD; có 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp, hạ tầng thương mại - dịch vụ không ngừng được đầu tư hiện đại với 37 trung tâm thương mại, 175 siêu thị, 240 chợ truyền thống, 723 cửa hàng tiện lợi... GDP bình quân đầu người đạt 5.131 USD/người/năm.

Theo dự kiến, đến hết năm 2015, TP.HCM phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 5.538 USD/năm, gấp 5 lần so với năm 2000, nâng chuẩn hộ nghèo (mức thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, bằng với chuẩn nghèo của thế giới) và cận nghèo (mức thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm đến 21 triệu đồng/người/năm).

Theo NĐT

Tags:

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế vươn tầm quốc gia và khu vực

Vừa qua, trong chương trình giao lưu Văn hoá Kinh tế Việt - Nhật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế đã có buổi làm việc cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong việc hợp tác, trao đổi về y khoa, công nghệ trong lĩnh vực y tế.

Kiến tạo không gian số quốc gia thống nhất

Từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh và hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị.

“Phép thử” với doanh nghiệp Việt Nam

Dữ liệu là “mỏ vàng” của nền kinh tế số và cần có cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt khi việc khai thác đang ngày càng mở rộng, đòi hỏi doanh nghiệp cần sớm thiết lập nền tảng vững chắc để bảo vệ.

Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt mục tiêu năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật.

Video