TP.HCM: Vốn FDI vào bất động sản giảm 77% cùng kỳ năm trước, thu ngân sách vượt 12.000 tỷ

Ngày 28/10, bà Phan Thị Thắng – Giám đốc Sở Tài chính TP HCM cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước của thành phố (không tính ghi thu ghi chi) ước thực hiện 10 tháng đầu năm gần 249.600 tỷ đồng, đạt 83,67% dự toán, tăng 10,38% so với cùng kỳ 2015.

Trong đó, thu nội địa 156.104 tỷ đồng, đạt 87,9% dự toán, tăng 18,78%; thu từ dầu thô hơn 11.490 tỷ đồng, đạt 63,14% dự toán, giảm 58,5%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 82.000 tỷ đồng, đạt 80% dự toán, tăng 9,25%, so vớicùng kỳ.

Theo phân tích của Sở Tài chính TP HCM, kết quả thu ngân sách đạt khá là do hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn khởi sắc, các dịch vụ đều tăng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2016 đạt 575.924,5 tỷ đồng, tăng 9,3% so vớicùng kỳ.

Đáng chú ý, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp khởi sắc. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố đạt 26,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,8%). Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 24,445 tỷ USD, tăng 12,2% (cùng kỳ tăng 9,2%).

Thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh như: Indonesia tăng 61,1%; Ấn Độ tăng 52,6%; Trung Quốc tăng 36,5%; Thái Lan tăng 31,5%; Hàn Quốc tăng 26,4%... Hàng xuất khẩu của một số mặt hàng được duy trì và có mức tăng: Cà phê tăng 50%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 24,52%; hạt điều 11,61%;...

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 10 tháng ước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8%). Mặt hàng nhập khẩu nhiều từ các quốc gia: Mỹ tăng 113,9%, Hàn Quốc tăng 38%, Pháp tăng 28,8%,… và ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 43,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụvà phụ tùng khác tăng 46,04%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,3%.

Với các yếu tố thuận lợi trên, theo bà Phan Thị Thắng, nhiều khoản thu có mức tăng cao, nổi bật là thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng 38,98%; thuế GTGT tăng 13%... và dự kiến thu ngân sách năm nay của thành phố sẽ vượt 12.000 tỷ đồng.

cho-Ben-Thanh3

Về tình hình thu hút đầu tư, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết trong 10 tháng năm 2016 đã có 668 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 44% so với cùng kỳ 2015,với tổng vốn đầu tư đạt 798,7 triệu USD. Có 145 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 477,3 triệu USD.

Ngoài ra, TP HCM cũng chấp thuận cho 1.469 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký khoảng 1,23 tỷ USD.

Tính chung, trong 10 tháng TP.HCM thu hút được 2,5 tỷ USD vốn FDI. Như vậy, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 6.477 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 40,9 tỷ USD.

Đáng chú ý, TP HCM đã tiến hành xây dựng trình tự thủ tục và biểu mẫu để thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Đến nay, đã thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án với 25 nhà đầu tư với tổng số tiền ký quỹ trên 386 tỷ đồng (tương đương 17 triệu USD).

Theo phân tích của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, trong số các dự án FDI đầu tư vào TP.HCM, mặc dù các dự án đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (40,8%) với 326,12 triệu USD, nhưng lại giảm tới 77,2% so với cùng kỳ. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10,3% với 81,9 triệu USD, giảm 86% so với cùng kỳ.

Ngược lại, các dự án đầu tư vào lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 31,3% với 249,6 triệu USD, tăng 62,7%; dự án đầu tư về thông tin và truyền thông chiếm 5,7% với 45,7 triệu USD, tăng 107,6%, so với cùng kỳ.

Không chỉ có các dự án FDI tăng mạnh, tình hình thu hút vốn của các doanh nghiệp trong nước cũng đạt cao. Đã có 29.899 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 242.162 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 15,9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 46,1% về vốn đăng ký).

Ngoài ra, có 44.495 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 169.968 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 0,8% về số lượt doanh nghiệp và tăng 58,7% về vốn bổ sung). Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 412.130 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ.

Theo NDH

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video