TP.HCM: DN bán lẻ nội không ngại cạnh tranh
Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước khẳng định không ngại cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
[caption id="attachment_13623" align="aligncenter" width="500"]
Tại buổi làm việc, các đơn vị tham gia thị trường bán lẻ đều có chung nhận định khi hội nhập, mở cửa thị trường, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, đòi hỏi các DN trong nước phải có chiến lược phù hợp.
Khẳng định không ngại cạnh tranh, tuy nhiên, các DN bán lẻ trong nước cũng cho rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, DN bán lẻ Việt Nam cần nhất là hỗ trợ về cơ chế mặt bằng. Bên cạnh đó, các DN bán lẻ trong nước cũng mong muốn được hỗ trợ vốn vay dài hạn để mở rộng đầu tư.
Hàng Việt vẫn chiếm ưu thế
Theo phản ánh của đa số DN bán lẻ lớn, trên kệ hàng tại các siêu thị, hàng Việt chiếm tỉ lệ khoảng trên 90%.
Dù phải cạnh tranh gay gắt hơn, nhưng các DN cho rằng, về cơ bản, các DN vẫn phải bán hàng hóa theo nhu cầu thị trường, nhu cầu của người Việt và hàng Việt vẫn sẽ chiếm ưu thế. Đồng thời, nhờ cạnh tranh giữa các DN nên chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao và người tiêu dùng chính là những người được hưởng lợi.
Ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam cho rằng, trong tương lai gần, tỉ lệ hàng Việt trong các siêu thị sẽ không xê dịch nhiều, việc mở cửa thị trường sẽ tạo điều kiện cho hàng ngoại thâm nhập vào Việt Nam dễ hơn. Tuy nhiên đây cũng là cú hích khiến các DN trong nước đổi mới, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành phù hợp để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Đẩy mạnh hợp tác với nhà sản xuất trong nước
Ông Hong Won Sik cũng cho biết, trong chiến lược phát triển của mình, Lotte Việt Nam mong muốn được mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất trong nước đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của Lotte để tiêu thụ trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu.
Được biết, trong năm 2015, Lotte Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trị giá khoảng 5 triệu USD ra nước ngoài (chủ yếu là thị trường Hàn Quốc), con số này năm 2016 dự kiến sẽ là 10 triệu USD.
Việc mở rộng liên kết với các DN sản xuất Việt Nam nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu riêng cũng là chiến lược mà hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam hướng tới.
Theo đại diện của Aeon Việt Nam, các sản phẩm nhập khẩu do chi phí vận chuyển cao nên giá thành thường cao, chính vì vậy, sản phẩm mà Aeon hướng tới là các sản phẩm trong nước, chất lượng tốt, hợp với túi tiền người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo các DN bán lẻ, để việc hợp tác được bền chặt, các DN sản xuất trong nước cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm và một vấn đề quan trọng không kém là thay đổi kiểu dáng, mẫu mã bao bì sản phẩm, bởi theo đánh giá của các nhà bán lẻ, mẫu mã bao bì hàng Việt đang “rất yếu” so với hàng ngoại nhập.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN bán lẻ phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rất lớn của người dân Thành phố, bảo đảm ổn định giá cả thị trường hàng hóa.
Ông Phong cũng đề nghị, chiến lược phát triển thị trường của các DN cần hướng tới TPHCM là một trung tâm thương mại, mua sắm của khu vực, phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Thành phố mà cho cả khách du lịch tới Thành phố tham quan, mua sắm.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa nhà phân phối và nhà sản xuất để tạo nguồn hàng là rất quan trọng, Thành phố sẽ kết nối với các địa phương, là cầu nối giúp các nhà phân phối bán lẻ và các DN sản xuất gặp nhau.
Về phía Thành phố, ông Phong cũng đề nghị Sở Công Thương sớm hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống bán lẻ của Thành phố.
Theo Chinhphu.vn