Tọa đàm "PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp"
Thời gian qua tình hình cháy nổ có những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, khiến dư luận lo lắng. Chính phủ, Bộ Công an, UBND TPHCM, Công an TPHCM, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (C07)… đã có nhiều chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra toàn diện, xử lý nghiêm các vi phạm; khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH); đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cho người dân, doanh nghiệp về công tác PCCC và CNCH; lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác này, quyết liệt kéo giảm, hạn chế thấp nhất cháy nổ xảy ra và thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Trong đó, đối với nhà cao tầng (chung cư, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…) và các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…, công tác PCCC và CNCH càng cần phải quan tâm đặc biệt, vì là nơi tập trung đông người, có nhiều tài sản, hàng hóa, máy móc thiết bị, nơi diễn ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh,… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
![]() |
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP kiểm tra công tác an toàn PCCC tại một cơ sở. Ảnh: ĐỨC NAM |
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TPHCM về việc tăng cường thông tin tuyên truyền về PCCC và CNCH, nắm bắt những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong công tác này; qua đó đề xuất, hiến kế các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, Ban Chuyên đề Công an TPHCM tổ chức chương trình Tọa đàm: "Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp".
![]() |
Diễn tập PCCC - CNCH nhà cao tầng tại TPHCM |
Tham dự Tọa đàm có các đại biểu khách mời: Đại diện lãnh đạo Ban Giám đốc Công an TPHCM; Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy; Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam; Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM…; lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty trong các lĩnh vực cung cấp thiết bị, thi công hạng mục PCCC, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý, điều hành các tòa cao ốc, chung cư...
Có thể khẳng định rằng, công tác PCCC&CNCH có vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, liên quan rất chặt chẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo quy luật, kinh tế - xã hội càng phát triển thì nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ càng cao, càng phức tạp và hậu quả khôn lường, khó đoán định. Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghiệp hoá, đô thị hoá đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng hiện hữu, đã và đang làm gia tăng các nguy cơ về cháy nổ không chỉ với Việt Nam mà còn xảy ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới.