Thuế rượu, bia: “Bộ Tài chính đánh giá tác động đến đâu, có phải tận thu chưa?”
Doanh nghiệp kêu khó, đề nghị việc lùi thời gian áp dụng Nghị định 108 và Thông tư 195. Một số chuyên gia đặt câu hỏi, việc áp dụng “gấp gáp” quy định mới về giá tính thuế có thời điểm trùng với thời điểm bắt đầu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 5% trong năm 2016 là “tận thu”.
[caption id="attachment_14547" align="aligncenter" width="700"]
Đồng thanh kêu khó, đề xuất lùi thời gian áp dụng
Tại toạ đàm về việc triển khai thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 diễn ra vào sáng 16/3 tại Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Linh, Thành viên HĐQT Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, Habeco đã nhiều lần đề nghị lùi việc thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 do việc áp dụng gấp gáp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng gây khó khăn cho các công ty có mối quan hệ công ty mẹ, công ty con, công ty con của công ty con trong hệ thống.
Tương tự, ông Lê Hồng Xanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (Sabeco) cho biết, Nghị định 108 chưa phù hợp với tinh thần thuế tiêu thụ đặc biệt tính dựa trên giá công ty con. Theo đó, ông Xanh đề xuất lùi việc thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 vào 1/1/2017.
Nêu ý kiến tại toạ đàm, ông Lê Bá Cơ, nguyên Chủ tịch HĐQT Habeco cũng cho biết, hướng dẫn của Nghị định và Thông tư nêu trên có mâu thuẫn với Luật do đó cần được xem xét lại một cách phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tính toán, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và lùi thời gian có hiệu lực.
“Tỷ lệ không chế là 7% trong khi trước đây là 10%, tuy nhiên mức 10% Bộ Tài chính khống chế vẫn nằm trong giai đoạn sản xuất của doanh nghiệp, từ sản xuất và bán ra công ty thương mại bán ra không vượt quá 10% nhưng mức 7% như bây giờ so với giá bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra hoàn toàn độc lập với đơn vị sản xuất, hoạt động có bộ máy riêng, chỉ quan hệ qua hợp đồng tiêu thụ khó khăn để thực hiện”, ông Cơ phân tích.
Cũng theo ông Cơ, giá bán khác nhau mặc dù giá mua vào như nhau do phụ thuộc vào từng thời điểm, từng địa điểm bán. Trường hợp doanh nghiệp bán vượt, đề nghị cục Thuế địa phương có trách nhiệm truy thu.
Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp đề xuất việc sửa đổi các nội dung liên quan tại Nghị định 108 và Thông tư 195, vấn đề này cũng từng được các doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đánh giá, tác động của việc thay đổi thuế đột ngột làm tăng hơn nữa chi phí thuế của doanh nghiệp trong lúc các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1/1/2016.
Tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị, không dự đoán trước được, không minh bạch, không có lộ trình thực hiện và có thể dẫn đến ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng.
[caption id="attachment_14548" align="aligncenter" width="700"]
Đồng thời, ảnh hưởng đến tính ổn định của môi trường chính sách thuế, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Nghị định 108 và Thông tư 195 sớm nhất là ngày 1/1/2017 để các doanh nghiệp có khoảng 1 năm chuẩn bị.
“Có phải tận thu chưa?”
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cho biết, dự thảo Luật, Nghị định Bộ Tài chính đã mời Hiệp hội tham gia và Hiệp hội đã từng gửi văn bản đến Bộ Tài chính song vẫn thấy nhiều nội dung “không được tiếp thu”. Ông Việt cũng cho biết, Hiệp hội từng gửi góp ý đến Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã ghi nhận ý kiến và có phản hồi “thông cảm”. Sau đó, Hiệp hội tiếp tục gửi văn bản đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và gửi Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội.
Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ chia sẻ: “Nghị định, Thông tư vừa áp dụng đã có sự phản ứng của doanh nghiệp là có vấn đề”.
Ông Khải đề nghị Bộ Tài chính cần đối thoại với doanh nghiệp. “Bộ Tài chính đã đánh giá tác động đến đâu, có phải tận thu chưa? Có quan điểm vì lợi ích nhóm cơ quan tham mưu cố gắng thu tốt đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách nhưng đảm bảo chỉ tiêu không phải đè doanh nghiệp”, ông Khải nhấn mạnh.
Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế cho biết, việc ban hành văn bản pháp lý phải tuân thủ thông lệ các nước, việc đưa văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp. Đưa ra nhanh quá có thể làm doanh nghiệp đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn và thậm chí rời khỏi thị trường.
Đáng lưu ý tại cuộc toạ đàm lần này không có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính. Phát biểu tại cuối toạ đàm, một đại diện từ Tổng cục Thuế cho biết đã ghi nhận ý kiến, của doanh nghiệp và đề nghị doanh nghiệp gửi đề xuất bằng văn bản và sẽ trả lời cụ thể bằng văn bản.
Theo Bizlive