Thuê CEO bệnh viện: Nhạy cảm và nhiều tranh cãi

Đề nghị mới đây của Bộ trưởng Bộ Y tế về “xu hướng bổ nhiệm giám đốc bệnh viện tới đây sẽ không cần chú trọng vào chuyên môn mà quan trọng phải là năng lực quản trị” đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều cho dư luận. Bởi, đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến con người.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tới đây, việc bổ nhiệm giám đốc các bệnh viện sẽ không còn quá chú trọng vào chuyên môn mà quan trọng phải là năng lực quản trị, thậm chí trong tương lai sẽ thuê người ngoài vào làm giám đốc bệnh viện như là một CEO.

[caption id="attachment_31236" align="aligncenter" width="507"]Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Giám đốc bệnh viện tới đây phải là một CEO Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Giám đốc bệnh viện tới đây phải là một CEO[/caption]

Thực trạng buồn

Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, tính riêng 6 tháng đầu năm nay, đã có gần 12.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế. Trong đó, chỉ 34% cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi chuyên môn, có khoảng 40% cuộc gọi phản ánh về tình trạng xuống cấp của cơ sở y tế, nội quy cơ sở y tế, 28% cuộc gọi phản ánh về quy trình chuyên môn của các bệnh viện và 14% phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y bác sĩ đối với người bệnh.

Rõ ràng, thực trạng chất lượng dịch vụ kém ở các bệnh viện từ nhiều năm qua là điều không thể phủ nhận. Tình trạng quá tải, ô nhiễm, nhũng nhiễu, phong bì…tồn tại ở khắp các bệnh viện, cơ sở y tế công.

Gần đây nhất, dư luận hẳn vẫn còn xót xa với trường hợp bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương dùng xích khóa xe cấp cứu khiến bệnh nhi chết trên đường khiến dư luận phẫn nộ, hay những vụ việc thu phí giữ xe vượt quy định, côn đồ, xã hội đen, trộm cắp lộng hành trong bệnh viện…

Nguyên nhân của hiện trạng đáng buồn này được đánh giá là do chính sự yếu kém trong công tác quản lý. Bệnh viện càng quá tải, quản lý càng rối rắm, bệnh nhân càng mỏi mệt. Vậy, vấn đề đặt ra cho các bệnh viện hiện nay là nâng cao trình độ tổ chức các hoạt động nhằm cung ứng cho khách hàng những dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Điều này liên quan đến năng lực quản trị của những người đứng đầu bệnh viện.

Phải công nhận một điều, có một cơ chế hiện đang tồn tại, khi đề bạt giám đốc bệnh viện hoặc giao quyền quản lý trong bệnh viện thì tiêu chí chuyên môn vẫn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Những người lãnh đạo thường trưởng thành từ chính những bác sĩ giỏi. Nhưng lại thường là giỏi về chuyên môn chứ ít, thậm chí không được đào tạo về công tác quản lý nói chung, quản trị bệnh viện nói riêng.

Do đó, không ít các bác sĩ, và giám đốc trong các BV vẫn quan niệm rằng, quản trị bệnh viện là bộ phận tổ chức hành chính đơn thuần, dẫn tới việc chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực ngoài chuyên môn còn chưa được hiệu quả và toàn diện. Mà cụ thể, chất lượng dịch vụ kém, hoạt động bệnh viện thiếu tính chuyên nghiệp, lủng củng và rối rắm.

Yêu cầu bức thiết

Thời gian gần đây, ngành y tế đã có những bước phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều hệ thống bệnh viện quốc tế, bệnh viện tư nhân. Cùng với yêu cầu ngày một cao của “khách hàng” đặc biệt – người thăm khám sử dụng dịch vụ bệnh viện, đã đặt ra yêu cầu lớn đối với việc quản lý, phát triển của tất cả hệ thống bệnh viện. Chính vì vậy, người điều hành – CEO trong hoạt động của bệnh viện có vai trò rất quan trọng.

Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm của hoạt động y tế là hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, dịch vụ y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, người sử dụng chỉ cảm nhận được chất lượng, giá trị sử dụng sau khi “mua” hàng hóa đó. Do vậy, thị trường dịch vụ y tế cần phải được tổ chức, quản lý đặc biệt.

Trước đây, ở một số nước tiên tiến như Pháp, CEO bệnh viên là những người không phải thầy thuốc. Họ chỉ học quản trị bệnh viện đơn thuần và hậu quả là họ làm việc như một cái máy, không hề hiểu được tâm lý bệnh nhân, tâm lý thầy thuốc và nhân viên y tế. Chính vì vậy, những điều đáng tiếc trong quản lý bệnh viện đã xảy ra, và một số bệnh viện đã không phát triển được.

Rút kinh nghiệm này, một số nước khác như Mỹ đã chọn CEO bệnh viện là những thầy thuốc có khả năng quản lý tốt. Họ được chọn sau đó đưa đi đào tạo thêm về quản lý bệnh viện. Khi đó mọi việc sẽ tốt hơn và hoạt động của bệnh viện rõ ràng hiệu quả hơn.

Còn ở Việt Nam, đề xuất của Bộ Trưởng Phạm Kim Tiến không phải lần đầu được nhắc đến. Trong rất nhiều hội nghị, hội thảo trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã cho rằng, người làm quản lý không cần phải giáo sư, tiến sĩ mà phải là người giỏi quản lý hành chính, quản lý nhân sự, tiền nong, quản lý hạ tầng, biết cách điều hành.

Tuy nhiên, mô hình CEO bệnh viện mới chỉ được áp dụng ở một số hệ thống bệnh viện tư nhân, quốc tế như: Vinmec, Hoàn Mỹ…

Còn nhiều tranh cãi

PGS TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng: Trên thực tế, đội ngũ quản lý các bệnh viện hiện nay đi lên từ chuyên môn nên có thể là chuyên gia của lĩnh vực nào đó nhưng lại chưa được đào tạo về quản lý.

Hiện trạng này dẫn tới công tác quản lý bệnh viện thiếu khoa học và chưa đem lại hiệu quả tài chính, kinh tế. Nên khi có vấn đề chuyên môn xảy ra cũng khó có khả năng “ứng phó” kịp thời để trấn an dư luận. Ví dụ như những vụ việc thời gian gần đây của một số bệnh viện đầu ngành, việc không xử lý kịp thời đã làm ảnh hưởng tới uy tín của cả hệ thống ngành.

Quá tải dẫn tới nhân viên y tế phải quay cuồng với công việc, các bác sĩ đều chỉ tập trung vào chuyên môn còn mệt, do đó mà vai trò của giám đốc điều hành rất phai nhạt. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, nên có một nhà điều hành chuyên nghiệp làm công tác điều hành bệnh viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ: CEO bệnh viên phải hình dung rõ đường đi của đồng tiền thu từ người bệnh, nó được đưa vào chi phí và các khoản tái đầu tư thế nào? lợi nhuận ra sao? qua đó, khách hàng nhận được trở lại những lợi ích gì, với chất lượng nào?

Ông Tùng cho biết, nếu phải chọn lựa CEO hoặc là bác sĩ hoặc là nhà quản trị bệnh viện, ông nghiêng về lựa chọn thứ hai. “Một nhà quản trị bệnh viện giỏi sẽ thiết lập được những chính sách và công cụ hiệu quả để sử dụng nhân tài và kiểm soát các hoạt động chuyên môn y tế”, ông nói.

Tuy nhiên, lại có một số ý kiến lo ngại, bệnh là một ngành đặc thù nên CEO bệnh không đơn thuần quản lý kinh doanh, họ còn phải có nghiệp vụ quản lý tổng thể, kiểm soát các hoạt động chuyên môn, tài chính, hành chánh… đặc biệt phải có chuyên môn để điều phối sử dụng nhân tài, kiểm soát hoạt động chuyên môn phù hợp đặc thù của ngành y.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, về nguyên tắc, việc bổ nhiệm cần ưu tiên người có năng lực quản trị. Tuy nhiên, đã là giám đốc bệnh viện thì cần phải nắm chắc, phải giỏi cả chuyên môn về y học nữa. Nếu là giám đốc một bệnh viện chuyên khoa như ngoại, sản, nhi, tai – mũi – họng, mắt, da liễu, huyết học…thì nên phải là người giỏi hàng đầu, là người thầy về lĩnh vực đó. Bởi vì chức năng và nhiệm vụ yêu cầu đòi hỏi như vậy.

“Ví dụ, để chủ trì một buổi giao ban tại một bệnh viện chuyên khoa, đó không chỉ là một buổi điểm danh, rà soát mọi công việc trong cơ quan, mà hơn thế nữa, đó cũng là một buổi tư vấn, hướng dẫn mang tính quyết định, rồi cả huấn luyện, đào tạo… Người không giỏi nhất về chuyên môn không làm được”, ông Trí nhấn mạnh.

Chính bởi những băn khoăn này, một số giám đốc bệnh viện quốc tế đề xuất, có thể vận hành hoạt động của bệnh viện theo cơ chế “rắn hai đầu”, một đầu là CMO chỉ chuyên phụ trách về chuyên môn y khoa, đầu kia là COO chỉ lo điều phối nhân lực, sử dụng cơ sở vật chất, tài chính hiệu quả. COO sẽ giữ vai trò tạo dựng và duy trì môi trường hoạt động y tế hiệu quả và chuyên nghiệp, giảm tình trạng quá tải và mang tới chất lượng phục vụ tốt cho những “khách hàng” đặc thù.

Hoặc theo ý kiến của một chuyên gia trong ngành, có thể áp dụng mô hình của Mỹ, sử dụng chế độ thi tuyển CEO, chọn những thầy thuốc có khả năng để đưa đi đào tạo chuyên ngành quản lý bệnh viện, trả lương cao cho những người có khả năng điều hành để hoạt động của bệnh viện ngày càng chuyên nghiệp, có lẽ là phương thức tốt mà chúng ta nên bắt đầu từ bây giờ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc Bệnh viện Việt Đức đánh giá, việc thuê CEO cho các bệnh viện công tại Việt Nam không thể áp dụng theo mô hình nước ngoài. Bởi theo mô hình hoạt động nước ngoài, họ có từng bộ phận phụ trách riêng biệt, còn ở Việt Nam, giám đốc bệnh viện ngoài phụ trách chuyên môn còn phải lo mọi vấn đề, có thể nói từ A đến Z.

Về luật, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, việc quản lý hoạt động và vận hành đối với mỗi bệnh viện phụ thuộc vào từng đơn vị chủ quản riêng biệt. Riêng đối với các bệnh viện công lập, ngành y tế chỉ quan tâm nắm tóc đối với các giám đốc phụ trách về chuyên môn để qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như chăm sóc sức khoẻ người dân. Đối với các bệnh viện tư nhân, họ có thể thuê CEO để quản lý hoạt động bệnh viện theo luật doanh nghiệp.

Hiện cũng chưa thấy bất kì quy định nào của Nhà nước đề cập tới việc thuê người làm giám đốc quản lý, quản trị bệnh viện công lập. Đối với bệnh viện ngoài công lập, họ có thể thuê CEO nhưng phải chịu sự chi phối của 2 khía cạnh đó là về mặt chuyên môn kĩ thuật và hiệu quả kinh doanh.

“Muốn làm được như vậy thì người được thuê phải có chứng chỉ hành nghề y tư nhân theo mặt chuyên khoa đối với từng lĩnh vực. Ngoài ra, phải có quyết định bổ nhiệm của Tổng giám đốc hay Chủ tịch tập đoàn đầu tư phê duyệt về nhiệm vụ, chuyên môn đó” ông Hạnh lưu ý.

Phía Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, học hàm, học vị trong ngành y sẽ không còn là thế mạnh cho ghế giám đốc bệnh viện. Bộ sẽ sớm đồng bộ, xây dựng quy chế bổ nhiệm cán bộ. Tiêu chuẩn giám đốc Sở Y tế, giám đốc bệnh viện, Bộ Y tế sẽ xây dựng lại.

Theo Enternews

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video