Tăng trưởng xuất khẩu: Cần một chiến lược chủ động và thích ứng
Bối cảnh mới và thách thức đặt ra
Xuất khẩu tiếp tục là một điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2025, với kim ngạch đạt gần 220 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa thặng dư thương mại duy trì ở mức 7,63 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu không chỉ giúp cải thiện cán cân thanh toán mà còn là trụ cột cho tăng trưởng GDP trong bối cảnh tổng cầu nội địa còn yếu. Các ngành điện tử, dệt may, máy móc thiết bị và da giày tiếp tục là điểm tựa quan trọng, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Sự gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu của các ngành này cho thấy doanh nghiệp đã tận dụng khá tốt lợi thế từ các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và RCEP.
Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục giúp duy trì tốc độ xuất khẩu cao cho nền kinh tế. Mặt khác, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan và cải thiện logistics… cũng đã góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao thương, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đằng sau các con số tích cực là những dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc đáng kể vào các yếu tố bên ngoài, từ các thị trường nhập khẩu lớn, chuỗi cung ứng nguyên liệu, đến chính sách thương mại toàn cầu hiện có nhiều biến động. Trong dài hạn, những yếu tố này có thể tạo ra những rủi ro lớn nếu không có một chiến lược tái cấu trúc hợp lý và hiệu quả.
Trong nửa đầu năm 2025, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy bất ổn. Xung đột địa chính trị tiếp tục đẩy giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển lên cao. Chính sách bảo hộ và điều chỉnh thuế quan từ các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ và EU, đang tạo ra những rào cản kỹ thuật và thương mại mới đối với hàng hóa Việt Nam. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Mặt khác, các dự báo gần đây từ các định chế quốc tế lớn đều “để ngỏ” khả năng suy giảm tăng trưởng toàn cầu, kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Đây là một trở ngại không nhỏ cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, điện tử - những ngành vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu.
Ngay trong nước, những yếu điểm nội tại vẫn chưa được khắc phục triệt để. Năng lực sản xuất phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa thấp, khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đủ nguồn lực để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, truy xuất nguồn gốc, hay chuyển đổi số - vốn đang trở thành tiêu chí bắt buộc ở các thị trường cao cấp. Thêm vào đó, sức ép từ lãi suất quốc tế cao và tỷ giá bên ngoài biến động… cũng tạo áp lực lớn lên chi phí tài chính và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Những chính sách đối ứng như áp thuế cao từ các thị trường lớn có thể khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp nhanh chóng, đe dọa khả năng duy trì chuỗi cung ứng dài hạn.
![]() |
Số liệu kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025 (Nguồn: Cục Thống kê) |
Cần một chiến lược chủ động và bền vững
Các tổ chức và chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần vượt qua mô hình “chạy theo kim ngạch” để hướng đến một chiến lược xuất khẩu có tính hệ thống, cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng và khả năng chống chịu. Điều này đòi hỏi sự điều phối tổng thể giữa các chính sách thương mại, đầu tư, công nghiệp và hạ tầng. Thay vì mở rộng xuất khẩu một cách dàn trải hoặc hỗ trợ từng ngành đơn lẻ, cần phân tầng thị trường theo mức độ rủi ro - cơ hội, từ đó xây dựng lộ trình thâm nhập với các nhóm chính sách phù hợp. Chẳng hạn, với các thị trường mới nổi như Trung Đông, Nam Á, châu Phi - có thể tập trung đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong khi đó, với thị trường truyền thống nhưng có xu hướng siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật như EU, Mỹ - cần ưu tiên đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi xanh và tăng cường phòng vệ thương mại.
Chiến lược phát triển xuất khẩu cũng cần gắn chặt với các quy hoạch hạ tầng trọng điểm như cảng biển, trung tâm logistics, vùng nguyên liệu tập trung và khu công nghiệp xanh - nhằm hình thành “vành đai xuất khẩu” có tính kết nối cao, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu suất chuỗi giá trị. Cùng với đó, cần hướng đến các mặt hàng xuất khẩu và khâu sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Bởi Việt Nam hiện vẫn chủ yếu ở các phân đoạn giá trị thấp trong chuỗi sản xuất và phụ thuộc vào FDI, làm giảm khả năng tạo ra giá trị gia tăng thực sự. Thúc đẩy công nghiệp hóa chiều sâu, nâng cao ngành có hàm lượng chất xám và năng lực nội lực, phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, đồng thời tiến hành cải cách thể chế ở tầm vĩ mô là những việc quan trọng để tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng xuất khẩu dài hạn. Đơn cử theo tổ chức Fitch Solutions, việc nâng cấp ngành xuất khẩu từ các mặt hàng giá trị thấp sang những sản phẩm công nghệ cao - như bán dẫn và thiết bị AI - là bước đi quan trọng để Việt Nam vượt qua các áp lực thuế mới.
Nếu muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và xây dựng nền kinh tế có sức chống chịu dài hạn, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng do ngoại lực dẫn dắt. Theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc chiến lược đầu tư tại Dragon Capital, một nền sản xuất chỉ tham gia vào khâu gia công trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ rất dễ tổn thương trước các biến động bên ngoài. Xuất khẩu tăng mạnh chưa đủ, và nếu doanh nghiệp nội địa không thể giữ lại phần giá trị gia tăng tương xứng, nền kinh tế sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy phụ thuộc.
Do đó nội lực - hay “động lực nội địa” - cần được cấu trúc như một hệ sinh thái gồm các trụ cột: doanh nghiệp, người lao động, hộ tiêu dùng và chính quyền địa phương. Thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các yếu tố này, nội lực không thể đủ sức thay thế vai trò dẫn dắt của FDI và xuất khẩu trong dài hạn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân, hiện sử dụng tới 85% lực lượng lao động và đóng góp 42% GDP, được xem là trung tâm của cấu trúc nội sinh. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều rào cản về vốn, đất đai và công nghệ.
Để nội lực trở thành điểm tựa phát triển mới, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách thể chế, mở rộng thị trường vốn, khuyến khích đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước. Sức bật dài hạn không đến từ vài doanh nghiệp lớn, mà từ khả năng lan tỏa của toàn bộ hệ sinh thái kinh tế nội địa.
Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là đảm bảo sự phối hợp giữa các chính sách thương mại, đầu tư và tài chính theo hướng ổn định, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn. Cần đẩy mạnh thiết kế các công cụ hỗ trợ như tín dụng ưu đãi, bảo lãnh thương mại, xúc tiến thị trường có trọng điểm và hướng dẫn doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Song song với đó, Việt Nam cũng cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với biến động từ bên ngoài như thuế quan, rào cản kỹ thuật mới hay suy giảm nhu cầu toàn cầu, nhằm giảm thiểu rủi ro và duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
Tăng trưởng xuất khẩu là điều kiện cần, nhưng muốn bền vững thì cần thay đổi cách tiếp cận ở tầm vĩ mô, xây dựng một cấu trúc chính sách đồng bộ - không chỉ nhắm tới con số kim ngạch hay hỗ trợ doanh nghiệp riêng lẻ, mà là sự phối hợp tổng thể giữa các trụ cột phát triển để tạo nên năng lực cạnh tranh dài hạn.