Samsung nâng cao trải nghiệm khách hàng với chuỗi mono store
Trong giới bán lẻ thường diễn ra các cuộc tranh luận giữa các cửa hàng chuyên doanh một thương hiệu và đa thương hiệu. Về nguyên tắc, chiến lược bán hàng của các chuỗi cửa hàng đa thương hiệu là trưng bày càng nhiều sản phẩm càng tốt để nâng cao xác xuất lựa chọn từ khách hàng. Trong khi đó, các cửa hàng chuyên doanh tập trung nâng cao trải nghiệm, giúp khách hàng hiểu rõ hơn về các sản phẩm của một hãng cũng như cách khai thác tốt nhất.
Trên thực tế, các cửa hàng mono store hay cửa hàng chuyên doanh không phải xu hướng mới, thế nhưng chúng thường chỉ xuất hiện với những nhà sản xuất cao cấp, nhãn hàng đã có đủ uy tín và dải sản phẩm đủ lớn để hấp dẫn khách hàng. Nguyên lý cốt lõi nhất của một cửa hàng mono store là số lượng có thể ít hơn nhưng trải nghiệm về sản phẩm, chất lượng dịch vụ phải là cao nhất.

Cửa hàng mono store thiết kế theo chuẩn Samsung toàn cầu. Ảnh: Samsung
Với các công ty vừa và nhỏ, mục đích lớn nhất là để bán hàng và phát triển. Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia nhấn mạnh hơn vào sự hài lòng của khách hàng. Báo cáo từ McKinsey cho biết có tới 33% khách hàng Mỹ sẽ thay đổi thương hiệu sản phẩm mình đang dùng chỉ sau một trải nghiệm phục vụ khách hàng tệ. Con số này cho thấy khách hàng ngày càng khó tính và yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm họ mua.
Thấu hiểu điều đó, các tập đoàn lớn trên thế giới có xu hướng mở rộng cửa hàng chuyên doanh thương hiệu do chính họ vận hành hoặc phối hợp với một đối tác uy tín thứ ba. Các cửa hàng mono store không chỉ là nơi mua sắm như truyền thống mà còn mang lại những trải nghiệm nâng cao hơn về trọn vẹn hệ sinh thái của một nhà sản xuất, cập nhật thông tin, hướng dẫn sử dụng, tăng cường tính tương tác.
Theo một số khảo sát từ hãng, khách hàng mua sắm tại mono store có xu hướng thân thiện và trung thành hơn với một thương hiệu, thông qua các hoạt động khách hàng thân thiết, các sự kiện nội bộ riêng. Báo cáo từ Econsultancy nói rằng có tới 71% khách hàng cảm nhận họ được đối xử trân trọng hơn ở mono store.
Tại Việt Nam, xu hướng cửa hàng mono store xuất hiện từ năm 2010. Gần đây, xu hướng này phổ biến hơn, được đẩy mạnh bởi những thương hiệu công nghệ có tiềm lực mạnh mẽ.
Đối với Samsung, sau khi hoàn thành hệ sinh thái bán lẻ với các chuỗi bán lẻ truyền thống, hệ thống siêu thị điện thoại, kênh thương mại điện tử và đặc biệt là chuỗi cửa hàng trải nghiệm sản phẩm SES, đơn vị tiếp tục ra mắt chuỗi cửa hàng bán lẻ ủy quyền cao cấp SPS. Hình thức này lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng theo hướng hiện đại hơn.

Samcenter Nguyễn Thái Học là một trong 5 cửa hàng ủy quyền cao cấp đầu tiên của Samsung chính thức khai trương vào ngày 17/1. Ảnh: Samsung
Các cửa hàng SPS được chính Samsung phối hợp với những đối tác bán lẻ uy tín tại Việt Nam phát triển, dự kiến có hơn 40 cửa hàng trong năm nay. Tất cả chuỗi cửa hàng SPS đặt tại những vị trí thuận lợi, trưng bày toàn bộ sản phẩm di động từ hãng như máy tính bảng, điện thoại, đồng hồ, thiết bị đeo và thiết bị khác trong tương lai, tạo trải nghiệm trọn vẹn hệ sinh thái di động. SPS thiết kế và trưng bày theo tiêu chuẩn đồng bộ trên toàn cầu, tất cả nhân viên đào tạo chuyên sâu định kỳ.
Với những thay đổi lớn trong chiến lược bán lẻ, ông Kevin Lee, giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết đơn vị sẽ tiếp tục cam kết tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, thân thiện và có ý nghĩa dành cho khách hàng trong nước.