Quảng Ngãi quyết tâm thành tỉnh công nghiệp tiêu biểu vùng Duyên hải miền Trung vào 2020

Thành công lớn nhất trong công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào Quảng Ngãi giai đoạn 2012-2015 là thu hút được các dự án công nghiệp nặng có quy mô lớn, công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, công tác XTĐT vào tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Chính vì thế, chuyển hướng XTĐT có trọng điểm, đi vào chiều sâu, khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, thế mạnh là định hướng mà Quảng Ngãi sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.

DQ 2

THU HÚT ĐẦU TƯ ĐẠT HIỆU QUẢ CAO 

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năng động, Quảng Ngãi có vị trí thuận lợi với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt khi vừa có cảng biển, vừa có đường quốc lộ, vừa có đường sắt Bắc – Nam cùng sân bay ngay gần trung tâm. Tỉnh hội tụ nhiều điều kiện để phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư, là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường đến cả hai miền Nam - Bắc và khu vực miền Trung rộng lớn. Từ Quảng Ngãi, các doanh nghiệp còn có thể mở rộng tiếp cận thị trường sang Lào, Đông bắc Thái Lan và Campuchia… Ngoài ra, với ngư trường rộng lớn trên 11.000 km2 và với đường bờ biển dài 130 km, tỉnh Quảng Ngãi cũng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển và du lịch biển, đảo. Đây là những lợi thế nổi trội tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư khi chọn Quảng Ngãi làm địa điểm đầu tư.

Ưu tiên chọn công nghiệp làm khâu đột phá, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi khoá XVII đã ban hành Nghị quyết 02 về phát triển công nghiệp và Nghị quyết 03 về phát triển khu kinh tế (KKT) Dung Quất (trong lĩnh vực công nghiệp). Tiếp đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục có nghị quyết, xác định công nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh. Để thực hiện nhiệm vụ đột phá phát triển công nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, kêu gọi thu hút đầu tư, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để phát triển theo định hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Từ một tỉnh thuần nông vươn lên trở thành địa phương có nguồn thu đáng kể trong cả nước, Quảng Ngãi đã, đang thể hiện tính năng động, sáng tạo và hiệu quả của ban lãnh đạo cũng như trung tâm xúc tiến của tỉnh khi không ngừng thu hút được các dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư lớn. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư, đến nay toàn tỉnh có 281 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 109 nghìn tỷ đồng và 30 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4 tỷ USD. Đến nay, cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi có tỷ lệ công nghiệp chiếm đến 61%.

DUNG QUẤT- TRÁI TIM KINH TẾ TỈNH

Nói đến sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm gần đây nhiều người cho rằng đó là sự phát triển mạnh của khu kinh tế Dung Quất mà trái tim là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Bên cạnh đó còn có các dự án có quy mô lớn khác có vốn đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD như 5 nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina (Doosan Vina), Nhà máy Đóng tàu, Nhà máy Nhựa Polypropylene, các cảng số 1 Dung Quất, cảng Gemadep... Qua hơn 18 năm hình thành và phát triển, đến cuối năm 2014, khu kinh tế Dung Quất có tổng cộng 120 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 8,5 tỷ USD, tổng vốn thực hiện là 4,85 tỷ USD, gần 60% vốn đăng ký. 5 năm qua, khu kinh tế Dung Quất luôn đóng góp hơn 70% tổng số nguồn thu ngân sách của tỉnh, chiếm 70% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Riêng trong năm 2014, số thu ngân sách của khu kinh tế Dung Quất chiếm 88% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi với hơn 23.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2015, khu kinh tế Dung Quất thu hút khoảng 15 tỷ USD và đến năm 2020 đạt khoảng 25 tỷ USD. 

Theo kế hoạch đề ra giai đoạn 2016-2020, khu kinh tế Dung Quất sẽ có những dự án mang tính chất tạo tiền đề cho giai đoạn đột phá mới. Đó là dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng vốn đầu tư lên đến 1,84 tỷ USD; dự án nhiệt điện Semcorp 1.200MW với số vốn 2,3 tỷ USD, dự án Nhà máy Sản xuất sợi New Mason Group Textiles Industrial - Dung Quất với tổng vốn đầu tư gần 15,8 triệu USD và dự án Nhà máy Sản xuất và gia công giày Maystar - Dung Quất với vốn đăng ký đầu tư 10 triệu USD…

Với lợi thế là một trong 5 khu kinh tế hoạt động hiệu quả nhất trong cả nước, khu kinh tế Dung Quất được định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và đến năm 2025 sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp đô thị - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là vùng động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh Quảng Ngãi.

DQ 1

TĂNG TỐC TRỞ THÀNH TỈNH CÔNG NGHIỆP

Dựa trên kế hoạch đề ra của UBND tỉnh Quảng Ngãi, công nghiệp vẫn là khâu đột phá của tỉnh. Hoạch định trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP về lĩnh vực công nghiệp vẫn là chủ đạo để đưa GDP giai đoạn tới tăng từ 7-8%. Về giá trị sản xuất công nghiệp, tỉnh dự kiến tăng khoảng 9%. Với những thành tựu đã đạt được, cùng với những dự án công nghiệp trọng điểm đã và đang triển khai là nền tảng quan trọng để công nghiệp Quảng Ngãi tiếp tục bứt phá trong tương lai gần, để đến năm 2020 Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thế nhưng để phát triển và đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư trong năm 2015 và những năm tiếp theo thật hiệu quả, tỉnh cần chú trọng hơn vào việc cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên đẩy mạnh thủ tục cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, tăng cường công tác quản lý, giám sát. Tỉnh Quảng Ngãi nói chung và trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh nói riêng sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đảm bảo tính đột phá cho từng giai đoạn. Quảng Ngãi dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác liên ngành đi xúc tiến, mời gọi đầu tư theo các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường; đặc biệt chú trọng thu hút những dự án tạo ra các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Xác định vẫn lấy KKT Dung Quất làm tâm điểm thu hút đầu tư, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng thu hút dự án FDI trong lĩnh vực lọc hóa dầu; công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng đô thị, hạ tầng KCN, hạ tầng cảng biển; nông nghiệp công nghệ cao… từ các nước có quan hệ truyền thống và tiềm năng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cam kết sẽ luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư, tích cực hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư từng bước hoàn thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến việc hỗ trợ xây dựng dự án, triển khai dự án một cách nhanh chóng. Có như thế mới có thể thu hút và tận dụng dòng vốn đầu tư đưa Quảng Ngãi thật sự  “cất cánh”, tạo bức phá trong kế hoạch 5 năm đã đề ra.

Theo NĐT

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video