Quản lý kinh doanh phân bón: “Cái nôi” sản sinh tiêu cực

“Cái nôi” sản sinh tiêu cực trong kinh doanh phân bón chính là các đơn vị cấp phép. Sự lỏng lẻo trong giám sát, đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các Cty sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Đó là quan điểm của không ít giới chuyên gia, DN, thậm chí cả nhà quản lý tại buổi Họp báo trước thềm Hội thảo: “Lập lại trật tự phân bón VN và bảo vệ quyền lợi cho nông dân”.

[caption id="attachment_35303" align="aligncenter" width="588"]Sản phẩm phân bón Đầu Trâu do Công ty TNHH TM – DV Anh Trang (tổ 5, KV 9, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định) làm giả. Sản phẩm phân bón Đầu Trâu do Công ty TNHH TM – DV Anh Trang (tổ 5, KV 9, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định) làm giả.[/caption]

Sao Việt Nam nhiều chủng loại phân bón thế?

Dẫn số liệu từ Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, cả nước hiện có khoảng 16.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón, trong đó có hơn 1.000 DN sản xuất. Điều đáng nói, có khoảng 70% số DN sản xuất phân bón hiện đang sản xuất “chui”, hoạt động không phép. Thậm chí, có những tình trạng DN có phép nhưng vẫn cố tình làm ăn sai trái.

Theo ông Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, tiêu dùng phân bón cả VN và trên thế giới đều tăng mạnh trong những năm gần đây. Nhiều Cty đa quốc gia, có tiềm lực kinh tế lớn đã nhìn VN là một thị trường tiêu thụ phân bón tiềm năng. Song, cũng có rất nhiều DN trong số này đã tỏ ra “ngán ngẩm” vì “ma trận” phân bón và các quy định pháp luật liên quan tới thị trường này. “Tôi tự hỏi, tại sao VN lại cần phải có nhiều loại phân bón như vậy, trong khi các nước tiên tiến như châu Âu chỉ cần 30 – 40 loại. Ngay cả những nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan cũng chỉ có 100 loại phân bón. Trong khi đó, chủng loại phân bón của VN gấp hơn 50 lần của họ” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Mặc dù, chủng loại phân bón của VN có lên tới hàng nghìn loại thế nhưng, ông Nguyễn Như Cường, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN- PTNT lại cho biết, đến nay, cơ quan này chỉ cấp phép cho 67 DN sản xuất phân bón hữu cơ. Còn với phân bón vô cơ, ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cũng cho hay đến nay, cũng mới chỉ có 288 DN được cấp phép, trong số hơn 450 hồ sơ gửi đến cơ quan này.

Ở góc độ DN, ông Lê Quốc Phong – TGĐ Cty cổ phần phân bón Bình Điền, khẳng định rằng, thực tế, sản xuất phân bón giả rất dễ, chỉ cần cuốc, xẻng, máy trộn bê tông là có thể làm được hàng giả. Hơn nữa, số lượng DN phân bón thành lập rất “thoáng”, giải thể còn dễ dàng hơn. Số DN sản xuất phân bón nhiều tới mức, cơ quan chức năng không đủ khả năng thống kê. Thậm chí, có nhiều Cty, sau một thời gian sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường không đảm bảo chất lượng thì lập tức giải thể và thành lập Cty mới để cung ứng sản phẩm khác.

Vì vậy, đối tượng chịu nhất trong ma trận phân bón giả trước hết là nông dân và các DN làm ăn chân chính.

Hai Bộ chẳng quản nổi một mặt hàng

Trên thực tế, đã có rất nhiều văn bản được ban hành để quản lý thị trường phân bón như: Nghị định 113/2002/NĐ-CP, Nghị định 191/2007/NĐ-CP, Nghị định 15/2010/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 202/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, sau 10 năm nhìn lại, bức tranh thị trường này vẫn là một “màu xám”.

Đại diện Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống hàng giả, hàng nhái cũng phải thừa nhận có sự bất cập trong công tác quản lý. Bởi lẽ, cùng một lĩnh vực phân bón nhưng có tới hai bộ quản lý là Bộ NN – PTNT và Bộ Công Thương. Và mặc dù, đã phân chia ra Bộ NN – PTNT quản lý phân bón hữu cơ, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ nhưng nhiều Cty có cả hai loại phân hữu cơ và vô cơ nên cùng bị hai bộ quản lý với những quy định riêng, rất khó để DN đăng ký hồ sơ pháp lý sản phẩm. Chính vì vậy, DN làm ăn chân chính gặp khó trong việc xin giấy phép. Ông Lê Quốc Phong – TGĐ Cty phân bón Bình Điền chia sẻ, có những trường hợp, khi có vấn đề nảy sinh trong quá trình hàng hóa lưu thông trên thị trường, hai Bộ lại cùng đứng ra giải quyết mà để đạt được sự thống nhất giữa hai bộ đã khó, khi đi vào giải quyết trong thực tế ở các cấp địa phương thì còn khó gấp bội. Do đó, ông Phong kiến nghị, nên giao cho một Bộ quản lý đối với các DN chuyên sản xuất phân bón hữu cơ có sản xuất một phần nhỏ vô cơ dưới 20% thì giao Bộ NN – PTNT quản lý. DN chuyên sản xuất vô cơ, có tham gia sản xuất hữu cơ dưới 20% thì giao Bộ Công Thương quản lý.

Tuy vậy, DN làm giả lại hoạt động một cách rầm rộ vì lực lượng quản lý thị trường vẫn “bắt không xuể”. Vì vậy, theo nhiều DN, nên đưa mặt hàng phân bón cho một Bộ quản lý, hoặc thành lập một Ban chỉ đạo chuyên ngành, một Cục phân bón giao cho một Bộ chủ quản làm đầu mối. Được biết, để tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón trong thời gian tới, Cục hóa chất đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch kiểm soát thị trường phân bón, trong đó, sẽ có những quy định bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón, tăng cường việc xử lý, xử phạt các sai phạm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận, dù các văn bản pháp quy có được hoàn thiện nhưng nếu không có sự vào cuộc của địa phương sẽ khó thành công.

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, đã đến lúc, xây dựng mô hình “bác sĩ dinh dưỡng cây trồng” nhằm trực tiếp phổ biến kiến thức cho nông dân. “Chỉ khi có kiến thức, nông dân sẽ không lệ thuộc vào sự chi phối của đại lý” – ông Cường khẳng định.

Theo Mai Thanh (DĐDN)

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video