Phía sau cuộc cách mạng 4.0
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang được cho là sẽ tạo ra sức bật lớn cho kinh tế toàn cầu, nhưng với những quốc gia dựa nhiều vào lao động giá rẻ như Việt Nam thì cuộc cách mạng này có thể có… hệ lụy.
[caption id="attachment_43655" align="aligncenter" width="588"]
Hai mươi năm trước, Adidas, hãng sản xuất đồ dùng thể thao nổi tiếng của Đức, đã quyết định ngừng các dây chuyền sản xuất ở Đức để đưa sang các nước Châu Á, nơi có chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều. Giờ đây, Adidas lại có quyết định ngược lại, tập đoàn đa quốc gia này đang xây dựng một nhà máy sản xuất mới tại Đức.
Cũng giống như lần trước, lần dịch chuyển này là để tiết kiệm chi phí sản xuất, nhưng không phải vì chi phí lao động ở Đức ngày nay rẻ hơn ở các nướ Châu Á, mà Adidas sẽ sử dụng những con robot có năng suất cao hơn và chi phí rẻ hơn để thay thế cho những người công nhân.
Sự nổi lên của… robot
Đối thủ của Adidas là Nike cũng có ý định thực hiện một kế hoạch tự động hóa trong quá trình sản xuất tương tự như Adidas. Nike đã đã xin bản quyền sáng chế cho ý tưởng xây dựng nhà máy sản xuất giày gần như hoàn toàn tự động tại thành phố Atlanta, Mỹ vào năm 2017.
Tự động hóa các công đoạn sản xuất vốn xưa nay vẫn dựa vào sức lao động của con người không chỉ diễn ra trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc hay dụng cụ thể thao, năm ngoái tập đoàn điện tử Foxconn – hãng gia công các sản phẩm công nghệ điện tử lớn nhất cho Apple – cũng đã tuyên bố sẽ sử dụng những con robot để thay thế 60.000 công nhân tại các nhà máy.
Những quyết định trên của các tập đoàn đa quốc gia như Foxconn, Adidas hay Nike đều là nhờ vào những thành tựu phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Theo dự báo của hãng tư vấn Boston Consulting Group, đến năm 2025 máy móc, thiết bị thông minh sẽ đảm đương 25% khối lượng sản xuất công nghiệp và giúp tăng năng xuất lao động, giảm phần lớn chi phí sản xuất. Ví dụ, chi phí sản xuất công nghiệp ở Đức sẽ giảm khoảng 21%. Khi máy móc đã có thể làm được nhiều việc hơn, thì hệ quả là sẽ có nhiều người mất đi những việc làm đó.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford ước tính rằng có tới 47% công việc ngày hôm nay sẽ có tỷ lệ 75% tự động trong vòng 20 năm tới, chủ yếu là các công việc có thu nhập trung bình và văn phòng thường ngày mà không đòi hỏi trình độ kỹ thuật.
Trong báo cáo “Tương lai của việc làm” được Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 công bố, đề cập 15 nền kinh tế với 1,86 tỷ người lao động được nhóm lại thành 20 nhóm công việc. Các tác giả dự đoán hơn 7,1 triệu việc làm bị mất khi thay đổi thị trường lao động trong giai đoạn 2015-2020, hai phần ba trong số đó tập trung ở các nhóm công việc văn phòng và hành chính. Tuy nhiên, cũng sẽ có thêm tổng số 2 triệu việc làm mới trong một số nhóm công việc nhỏ hơn.
Tương lai công nhân Việt
Trong nhiều năm qua, các yếu tố chính tạo nên sự thu hút đối với các nhà đầu tư tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua vào Việt Nam chính là nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và các ưu đãi lớn về thuế quan. Hầu hết các dự án đầu tư FDI chủ yếu tập trung ở khâu hạ nguồn, tức là ở công đoạn sản xuất gia công lắp ráp. Điều này biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài ở khu vực Châu Á.
Nhưng trước tốc độ phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy. Báo cáo của Bộ Công thương, tại Hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam” diễn ra tuần trước, đã chỉ ra rõ rằng nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. “Xu hướng hồi hương của các nhà máy gia công lắp ráp, các công đoạn hạ nguồn có thể trở thành xu hướng phổ biến trong thời gian tới,” báo cáo nêu rõ.
Hiện tại, cả nước có trên 42,4 triệu người, chiếm 80,1% tổng số lao động, chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Năng suất lao động trong giai đoạn 2005-2010 tăng nhanh 100%, tuy nhiên giai đoạn 2011-2015 tăng rất thấp chỉ khoảng 10%. Chỉ tiêu về lao động và năng suất đạt rất thấp so với mục tiêu đặt ra. Tất nhiên xu hướng tự động hóa sẽ khiến cho nhiều người lao động này tại Việt Nam mất việc làm.
Theo Bảo Trâm DĐDN