Phía sau chiêu trò tăng, giảm giá ở thị trường xe ôtô
Nhiều người tự hỏi thị trường ôtô Việt Nam đang loạn hay nhà phân phối ra chiêu trò sau khi đã "ăn quá dày" trong nhiều năm?
Theo khảo sát của PV tại TP.HCM và Hà Nội, trong thời gian gần đây, mẫu crossover 5 chỗ của Honda nổi lên như một “hiện tượng” khi liên tục thay giá bán từ giá niêm yết tới giá thực cho người tiêu dùng.
Theo đó, giá niêm yết dòng xe này thay đổi tới 3-4 lần dưới nhiều hình thức, lúc dưới dạng gián tiếp thông qua các khoản hỗ trợ tiền mặt, lúc trực tiếp khi hạ thẳng giá niêm yết.
Kết quả, từ chỗ có giá niêm yết 1,178 tỉ đồng (bản 2.4 TG), 1,158 tỉ đồng (bản 2.4 AT) và 1,008 tỉ đồng (bản 2.0) vào đầu tháng 6, toàn bộ 3 phiên bản này lao giá từ 220 - 280 triệu đồng và đều xuống dưới 1 tỉ. Không chỉ vậy, giá thực tới tay khách hàng còn dao động tiếp tuỳ vào câu chuyện thương thảo giữa đại lý, nhân viên bán hàng và người mua.
Một số nhân viên bán hàng thậm chí còn rao giá thấp “không tưởng” từ 730 - 760 triệu đồng cho bản 2.0 tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi khách đến mua, giá xe lại khéo léo được đẩy lên với lý do giá 730 triệu chỉ dành cho sếp của các đại lý bán xe máy của Honda.
Có khách hàng nhanh chân chốt được giá tốt, xuống cọc rồi ngã ngửa khi nhân viên bán hàng thông báo hết xe và gạ mua phiên bản cao hơn hoặc thêm tiền mua phụ kiện còn không thì chấp nhận mang tiền cọc về.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, các khách hàng thông thường gần như không thể mua được giá như quảng cáo và cũng ít người được tặng kèm xe tay ga như chương trình khuyến mãi với lý do phiên bản mua tặng kèm xe có số lượng hạn chế và đã bán hết. Trong khi khách hàng chưng hửng, nhà phân phối nhanh chóng đẩy được hết hàng tồn và người mua xe từ trước thì “khóc” khi thấy xe vừa mua đã mất giá cả trăm triệu đồng.
Trên thực tế, câu chuyện na ná như với mẫu Honda CR-V không phải là hiếm bởi từ khá lâu giá xe tại Việt Nam đã "trôi nổi" và không ai biết giá thực của một chiếc ôtô như thế nào.
Trước đây, khi thị trường chưa đóng cửa với xe nhập ngoài, giá ôtô chính hãng và không chính hãng chênh nhau hàng trăm triệu đồng dù xe nhập không chính hãng trang bị “ngon hơn”. Tới nay, ôtô nhập ngoài gần như đã hết cửa, ôtô chính hãng tự “chiến đấu” giành thị phần của nhau, giá xe vẫn là một ma trận.
Chia sẻ với Báo Lao Động, anh T.Long, một nhân viên sale có 10 năm lăn lộn tại 2-3 hãng xe lớn, cho biết, ngày trước thời cao điểm chạy thuế, giá xe bị thổi lên bằng nhiều cách vì khách hàng tranh nhau mua, ngày nay thuế sắp giảm, khách chùng chình chưa muốn xuống tiền nên sale nào cũng tìm cách “cắt chiết khấu” để thêm doanh số.
“Bình thường một chiếc xe khi xuống đại lý đã có vài chục, thậm chí cả trăm triệu tiền hoa hồng cho khâu phân phối nên tuỳ vào tình trạng thị trường mà số tiền hoa hồng kia được cắt vào giá. Đợt rồi, xe ế, để tồn trong kho vừa tốn tiền bến bãi vừa kẹt vốn nên các đại lý chấp nhận cắt phần lớn lãi để đẩy hàng cho nhanh nên mới có cảnh xe mỗi ngày 1 giá. Còn lãi của các hãng xe thì chỉ họ mới biết”, anh Long bình luận.
Giá xe lao dốc vì không còn cơ hội “ăn dày”?
Hiện nay không dễ để đưa ra những con số lợi nhuận trên mỗi đầu xe bán ra trên thị trường bởi thông số đầu vào từ giá nhập khai báo tại hải quan với xe nhập nguyên chiếc tới giá vốn để tạo ra sản phẩm với xe lắp ráp trong nước luôn trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là giá xe tại Việt Nam đắt gấp 2-3 lần, thậm chí 4 lần giá bán sau thuế tại các thị trường nước ngoài.
[caption id="attachment_68268" align="aligncenter" width="660"]
Theo Lâm Anh - Bảo Chương Báo Lao Động