Phát triển gạch không nung: “Thắt” từ… khâu tiêu thụ
Tại hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 10/6 tại Thái Nguyên, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, chính việc thiếu thông tin về những ưu điểm gạch không nung mang lại cộng với giá thành cao khiến việc tiêu thụ loại gạch này còn gặp muôn vàn khó khăn.
[caption id="attachment_23202" align="aligncenter" width="700"]
Khó khăn chồng chất
Tại hội thảo, ông Nguyễn Công Bằng – Giám đốc Nhà máy xi măng Lưu Xá chia sẻ, theo quy hoạch của Chính phủ trong việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung từ nay đến năm 2020 thì nhu cầu đối với sản phẩm gạch không nung của tỉnh Thái Nguyên là rất lớn. Sau khi nghiên cứu xem xét tất cả các điều kiện, nhà máy quyết định đầu tư dây truyền sản xuất gạch không nung có công suất thiết kế 56 triệu viên/năm. Sau một tháng sản xuất thử nghiệm, từ tháng 01/2016 nhà máy chính thức đi vào sản xuất, đến nay đã sản xuất và tiêu thụ được trên 6 triệu viên gạch không nung. Sản phẩm đưa ra thị trường là loại sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ tốt, giá cạnh tranh.
Tuy nhiên nhà máy lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn về việc tiêu thụ. Ông Bằng dẫn chứng, gạch đất nung sản xuất lò thủ công giá rẻ thậm chí tiêu thụ không cần hóa đơn làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạch không nung khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, theo quy định, sản phẩm gạch không nung phải có chứng nhận hợp quy mới được phép đưa vào công trình xây dựng nhưng trên thực tế nhiều sản phẩm gạch không nung chất lượng thấp, chất lượng không ổn định, không có chứng nhận hợp quy vẫn tiêu thụ trên thị trường mà không bị xử lý dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng.
“Nhà nước nên có những hỗ trợ kịp thời về vốn vay đầu tư, vốn để sản xuất kinh doanh, chính sách ưu đãi về thuế đối với việc tiêu thụ gạch không nung. Bên cạnh đó cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa về việc xoá bỏ dứt điểm các lò gạch đất nung thủ công hiện đang còn tồn tại làm mất đất canh tác và gây ô nhiễm môi trường theo đúng chủ trương của nhà nước và của tỉnh Thái Nguyên có như vậy mới thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sản xuất loại vật liệu này” – ông Bằng kiến nghị.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Quang Chung – Giám đốc Công ty CP Bê tông khí Viglacera cho rằng, giá sản phẩm gạch không nung đang còn cao hơn từ 15 – 25% gạch nung chính là nguyên nhân khiến không ít khách hàng mặn mà dùng loại gạch này.
Cũng theo ông Chung, hiện chưa có doanh nghiệp nào tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi cho sản xuất gạch không nung. “Trong thời gian tới, Nhà nước cần phải chung tay với doanh nghiệp giải quyết bài toán về vốn, lãi vay, thực hiện nghiêm túc việc sử dụng vật liệu gạch không nung trong các công trình vốn nhà nước theo chỉ thị của Thủ tướng chính phủ. Nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ và quyết tâm từ phía Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp thì mục tiêu vật liệu không nung tại Việt Nam là rất khó khăn” – ông Chung nhấn mạnh.
Sẽ bổ sung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Lý giải tình trạng này, ông Hoàng Đức Khánh – Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho rằng, quá trình triển khai thực hiện dự án gạch không nung bên cạnh những thuận lợi cũng gặp phải muôn vàn khó khăn như: Trên địa bàn tỉnh có khá nhiều khu vực tập trung các cơ sở sản xuất gạch thủ công truyền thống với mô hình làng nghề, dân cư xung quanh khu vực sản xuất cũng chính là gia đình các chủ cơ sở và người lao động; do thói quen sử dụng gạch đất sét nung của hầu hết người dân còn phổ biến dẫn đến nhu cầu thị trường về sản phẩm gạch nung còn rất cao do đó các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công vẫn cố tìm cách tồn tại hoạt động để khai thác thị trường. Đến nay các cơ sở sản xuất gạch không nung hiện có vẫn rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm dẫn đến các cơ sở này vẫn trong tình trạng sản xuất cầm chừng; các nhà đầu tư có ý định đầu tư sản xuất gạch không nung buộc phải cân nhắc thăm dò, theo dõi thị trường.
[caption id="attachment_23201" align="aligncenter" width="700"]
Từ thực tế trên, ông Khánh đề xuất Bộ Xây dựng và Chính phủ cần bổ sung chế tài xử lý các cơ sở không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung thủ công, bổ sung chế tài xử lý các trường hợp không chấp hành quy định sử dụng vật liệu xây không nung vào công trình xây dựng tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng; bổ sung cơ chế hỗ trợ về khoa học công nghệ, cơ chế khuyến công cho các cơ sở đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung có công suất lớn, công nghệ tiến tiến để tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo và giá thành sản phẩm hợp lý. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vật liệu xây không nung để các doanh nghiệp hưởng lợi.
Ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020.
Mục tiêu của chương trình là phát triển vật liệu xây không nung thay thế dần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 25% vào năm 2015 và 40 % vào năm 2020; sử dụng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp; tiết kiệm hàng năm khoảng 1000 ha đất nông nghiệp. Đến nay có trên 1500 dây chuyền có công suất dưới 7 triệu viên/năm, khoảng trên 100 dây chuyền có công suất từ 7-40 triệu viên/năm; đặc biệt có nhà máy đầu tư 3 dây chuyền có tổng công suất lên đến 180 triệu viên/năm.
Để thực hiện thành công Chương trình phát triển gạch không nung, ông Bắc cho biết, trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ các giải pháp tháo gỡ rào cản về chính sách, thể chế, kiến thức và nhận thức cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển gạch không nung. “Việc thực hiện các giải pháp đồng bộ này cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, địa phương, các tổ chức tư vấn kỹ thuật, tài chính ngân hàng, chuyên gia trong nước và quốc tế” – ông Bắc khẳng định.
Theo DĐDN