Ông Lê Phước Vũ: Để đuổi kịp thế giới bây giờ hoặc không bao giờ
Với vai trò Chủ tịch phiên hội thảo Hội nhập và toàn cầu hóa trong diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, ông Lê Phước Vũ cho rằng hội nhập để đuổi kịp thế giới bây giờ hoặc không bao giờ, chúng ta chỉ còn 20 năm để nắm bắt tất cả các cơ hội của thời kỳ dân số vàng.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam trong nhóm thảo luận Hội nhập và toàn cầu, Chủ tịch phiên thảo luận, ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen -HSG) cho biết: Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là tất yếu của thế giới và Việt Nam. Hội nhập tạo ra cho doanh nghiệp áp lực, động lực tăng trưởng. Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, tạo ra sự tăng trưởng mạnh.
Chúng tôi ý thức rõ, hội nhập là điều tích cực nhưng hội nhập trong bối cảnh đại đa số Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn non trẻ, thiếu vốn, kinh nghiệm, năng lực quản trị, tác phong công nghiệp còn yếu kém, chất lượng lao động Việt Nam nhìn chung thấp.
"Chúng tôi ý thức rằng bây giờ hoặc không bao giờ. Việt Nam đang thời kỳ dân số vàng, chúng ta còn 20 năm nữa bảo đảm Việt Nam nắm bắt tất cả các cơ hội để phát triển mạnh mẽ", Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen nhấn mạnh.
Hội nhập là cơ hội lớn nhất để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển và đuổi kịp. Nếu làm điều đó trong thế bất lợi, để làm được điều đó ông Vũ cho biết lấy phương châm lấy lao động thắng quy mô, sáng tạo để thắng chuyên nghiệp, lấy nỗ lực và tốc độ để bù cho vị thế.
Để hội nhập thành công, không thể thiếu vai trò của những khích lệ của Chính phủ. Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đại diện nhóm thảo luận Hội nhập và Toàn cầu hóa kiến nghị:
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn mong Chính phủ đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Cần có cơ chế minh bạch, bình đẳng để phát triển. Về vấn đề tiếp cận nguồn vốn, Chính phủ có chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chống chuyển giá, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp. Đồng thời cần hỗ trợ bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá.
Ông Lê Phước Vũ cũng kiến nghị Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp thường kỳ.
Về vấn đề hội nhập, ông Haiken Manning, Đại sứ quán New Zealand ghi nhận và ủng hộ những ý kiến mà ông Lê Phước Vũ nêu trên. Ông cho rằng, năng lực cạnh tranh rất quan trọng, mọi người nghĩ cạnh tranh về giá cả nhưng thực tế phải cạnh tranh cả về quy trình, tính chuyên nghiệp...Theo ông Haiken, doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào khách hàng, nếu có chiến lược phát triển tập trung vào khách hàng sẽ rát hiệu quả.
Ông dẫn chứng về câu chuyện trái Kiwwi, từ nông sản của địa phương, New Zealand đã đưa ra thị trường quốc tế, thông qua chiến lược xuất khẩu doanh thu đạt 1,5 tỷ USD/năm.
"Chúng ta hiểu rằng các quốc gia khác nhau có cách tiếp cận khác và cách nhìn khác và tập trung vào cách tiếp cận của mình nhưng tập trung vào chống tham nhũng và đề ra các cách làm hiệu quả", vị Đại sứ cho hay.
Ông cũng cho biết đang có sự gia tăng về sức hút của nhà đầu tư Newzeland đến Việt Nam và khẳng định "chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng sức cạnh tranh với thế giới".
Theo NDH